Tết Thượng nguyên

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:07 - Chia sẻ
Ngày Tết Thượng nguyên là ngày tết đầu tiên sau Tết Nguyên đán cổ truyền năm mới, là lễ tiết đầu tiên trong 4 lễ tiết quan trọng của đạo Mẫu, nhằm cầu cho quốc thái dân an...

Đền Dâu nằm ở giữa phố Hàng Quạt, một con phố nhỏ thuộc khu phố cổ Hà Nội. Phố vốn chạy qua phần đất của thôn Thuận Mỹ tổng Thuận Mỹ huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long cũ. Xa xưa nữa, phần đất này vốn là một dải đất nằm bên bờ sông Tô Lịch, nơi có những bãi dâu tằm trải dài tít tắp bên những ngôi nhà tranh tre nứa lá của những người nông dân quanh năm tảo tần trồng lúa, chăn tằm, dệt lụa. Trăm năm vật đổi sao dời, cảnh vật nay đà đổi khác. Duy chỉ có ngôi đền cổ tương truyền ra đời từ thuở ấy mang tên gọi là đền Dâu là vẫn còn hiện hữu. Đền vốn là nơi thờ phụng đức Quốc tổ Lạc Long Quân và 18 đời vua Hùng còn gọi là Thập bát Hùng Vương. Sang đời nhà Lê, đền khởi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và mới mang thêm tên chữ là đền Thuận Mỹ.

Ngày Tết Thượng nguyên tháng giêng, bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, trong gian bếp nhỏ đền Dâu, các bếp lửa đã rực sáng, và cả không gian nơi đây thấm đẫm mùi hương thơm của các món tẩm ướp, xào nấu.

Mỗi dịp Tết Thượng nguyên đầu năm mới, đền Dâu thường sửa soạn tới trên 100 mâm cỗ, để trước là dâng cúng Quốc Tổ, dâng cúng 18 vị vua Hùng và hội đồng Thánh Mẫu, sau là đãi đằng đệ tử nhà đền và các vị khách thập phương giàu lòng ái mộ.

Trải biết bao nhiêu dời đổi, mâm cỗ đền Dâu vẫn cứ được sắp sửa theo đúng lối truyền thống của người Hà Nội cổ, bất di bất dịch, có chăng là chỉ thay đổi mấy món rau canh theo mùa theo tiết mà thôi. Lệ này được định vị từ thời cụ thủ từ Trang Công Thịnh và truyền lại cho tới giờ đây. Tiếc là cụ bà của cụ Thủ từ, vốn cũng là con dân của làng giò chả Ước Lễ nổi tiếng với nghề nấu cỗ truyền thống, cũng đã sớm quy tiên.

Ông Trang Công Tuấn, người kế thế của cụ thủ từ Trang Công Thịnh vẫn nhớ lệ cũ, soát xét cẩn thận việc soạn sửa trang hoàng cho ngôi đền, để đón khách gần xa về dự lễ. Vợ chồng ông thủ từ trẻ tuổi cũng không quên dâng thêm chút thanh bông hoa quả tươi mới lên ban thờ cụ cựu đồng đền Trang Công Thịnh, bày tỏ tấm lòng hiếu kính như nhất với công lao to lớn và tâm đức sáng ngời của cụ. Bên cạnh việc chăm lo tôn tạo bản đền và góp phần chấn hưng Đạo Mẫu ở Việt Nam, cụ cựu thủ từ đền Dâu cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội từ thiện ở Hà Nội và cả nước. Đáng nhắc nhớ hơn cả là cụ cựu thủ từ Trang Công Thịnh còn là một nhà nghiên cứu sưu tầm và truyền bá văn hóa dân gian sáng giá của thủ đô, từ nghệ thuật diễn xướng dân gian cho đến việc ứng dụng ca dao tục ngữ trong đời sống. Đặc sắc nhất là nghệ thuật nấu ăn truyền thống của người Hà Nội cổ.

Cũng do tiếp thụ sự giáo dưỡng dạy dỗ của cụ cựu thủ từ, ông tân thủ từ Trang Công Tuấn cũng đã tiếp nối việc nghiên cứu về lịch sử hình thành và tiến triển của đền Dâu qua thời gian ngàn năm có lẻ. May mắn thực sự là vợ chồng cụ cựu thủ từ đã truyền lại cho hàng chục người cháu con trong họ tộc nghệ thuật chế biến món ăn dân tộc, đặc biệt là lề lối cách thức nấu món ăn cổ truyền trong các đám giỗ tiệc. Người con gái duy nhất của vợ chồng cụ cựu thủ từ nay cũng đã rất thuần thục trong vai trò một người đầu bếp các bữa cỗ tiệc.

Nhìn đi ngắm lại thì đa phần cháu con trong gia tộc của cụ cựu thủ đền Trang Công Thịnh cũng như đa phần người dân làng Ước Lễ, Thanh Oai cố hương hầu hết đều sinh sống và lập nghiệp tại Hà Nội trong các ngành ăn uống dịch vụ. Từ các khách sạn nhà hàng cao cấp đến các hiệu ăn, quán uống bình dân. Thế nên việc nấu nướng cỗ bàn, bà con anh em tất thảy đều thành thạo, tổ chức phân công nhau khéo léo nhịp nhàng. Song quan trọng hơn hết là mọi người đều rất nhiệt tâm và tự nguyện.

Kỹ càng, sạch sẽ, thơm ngon và tinh tế, đó chính là những đặc trưng nổi bật của các món cỗ đền Dâu. Ví như việc chọn nguyên liệu thực phẩm chẳng hạn. Thịt gà phải là thịt gà sống thiến, đâu có dễ kiếm trên thị trường Hà Nội thời buổi này. Thịt gà sống thiến thì vừa chắc vừa thơm vừa giòn. Luộc là phải luộc chín tới, không để vỡ da nát thịt mà cũng không cho lòng đào đọng tiết. Bầy biện là phải bầy đúng theo lối cổ, lần đầu xếp ngược, lần sau úp xuôi, để phần da vàng óng lên trên, trông thật đẹp mắt. Bà cụ bày thịt gà hôm nay tuổi đã ngoại tám mươi mà chưa hề vắng mặt trong bất cứ đám cỗ đền Dâu năm nào.

Bát bóng nấu trong đám cỗ đền Dâu thường là bát bóng nấu trần. Nghĩa là nấu không có chân tẩy rau quả. Bát bóng trần xưa nay chỉ xuất hiện những những đám cỗ nhà giàu sang ở Hà Nội. Miếng bóng thăn nở đều, trắng ngà, được tẩy kỹ bằng nước vo gạo nếp, rượu nếp và gừng tươi, được tẩm ướp cùng nước mắm ngon và hạt tiêu bắc, trước khi cho vào nồi canh sôi to lửa rồi vớt ra thật nhanh. Nồi nước canh bóng trong vắt như nước mưa, thơm lừng mùi xương gà ninh với nấm hương, tôm he, thịt nạc thăn. Muốn có được nồi nước dùng trong theo đúng lối cổ, thì thịt và xương phải rửa sạch, chần kỹ, ninh nhỏ lửa, mở vung, hớt bọt liên tục. 

Món nộm bao giờ cũng là món được hoàn thiện sau cùng trước giờ dâng cúng. Nguyên liệu chính để làm món nộm cổ truyền đền Dâu chính là su hào, cà rốt và dưa chuột, khác hẳn với món nộm đu đủ nạo sẵn bán dạo trên các phố. Và tất thảy chúng đều được thái bằng tay, không quá to e cứng, cũng không quá nhỏ e nát. Gia vị trộn nộm cũng chỉ là dấm đường tỏi ớt vừng lạc song được rang giã đúng độ, gia giảm khéo léo. Và đặc biệt, món nộm đền Dâu không hề dùng tới một chút mì chính nào mà vẫn đạt tới độ chua ngọt rất vừa vặn. Lẽ ra thì vừng giã nhỏ trộn trước, rồi thì lạc giã rối rắc sau cùng, cho nổi vị. Nhưng làm cỗ mỗi bữa hàng trăm mâm, không thể phục vụ tức thì, nên lạc vẫn phải trộn trước cùng với vừng. Muốn cho người ăn không có cảm giác lạc bị mất độ giòn, thì lạc phải rang chín thơm và giã thật nhỏ tơi. Đấy cũng là một bí quyết nhà nghề làm nộm. Thêm mấy nhánh kinh giới, rau thơm, mùi Láng nữa là đủ vị.

Cách bày cỗ của đền Dâu vẫn giữ nguyên theo lề lối cổ được truyền lại từ cụ cựu thủ từ Trang Công Thịnh trên những chiếc mâm gỗ sơn then cũ kỹ. Các món được tôn cao trên những chiếc bát nhỏ, xếp xen kẽ theo màu sắc, gửi gắm cái ước muốn mâm cao cỗ đầy ấm no thịnh vượng của người dân đất Việt. Nét đặc biệt của mâm cỗ Thượng nguyên đền Dâu là bao giờ cũng có thêm một khay xôi gấc, bánh chưng, chè kho gợi nhớ hương xuân vị tết vẫn còn vương vấn giữa đất trời Hà Nội khi chưa qua kỳ trung tuần tháng giêng. Bánh chưng gói chặt tay, luộc thật rền. Xôi gấc tra đường kính vừa vặn, thơm phức mùi mỡ gà. Chè kho đậu đãi quấy thật kỹ trên bếp than củi, ngọt sắc khẩu vị người Hà Nội cổ, ngát thơm mùi vừng rang lấm tấm rắc bên trên.

Mâm cỗ đền Dâu với đầy đủ sơn hào hải vị của đất trời xứ Bắc dâng lên các bậc vương thánh thể hiện tấm lòng tôn kính của con nhang đệ tử đền Dâu với những lời cầu ước sang một năm mới nhân khang vật thịnh, làm ăn tấn tài vượng lộc, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Khi cỗ bàn đã tương đối hoàn tất, thì trên ngôi chính đền, đã diễn ra những lễ thức cầu cúng Tết Thượng nguyên dân gian trang trọng và cũng rất vui tươi, rạng rỡ, với những bài ca điệu múa mang đậm sắc thái tín ngưỡng dân gian của người Việt trong đạo Mẫu, một tín ngưỡng bản địa tối cổ có sức sống trường tồn  qua không  gian và thời gian, bất chấp biết bao đổi thay của thời cuộc và thế sự.

Ngày Tết Thượng nguyên là ngày Tết đầu tiên sau Tết Nguyên đán cổ truyền năm mới, là lễ tiết đầu tiên trong 4 lễ tiết quan trọng của đạo Mẫu. Lễ thiên quan Thượng nguyên tháng giêng, lễ địa quan Trung nguyên tháng Tư, lễ thủy quan Hạ nguyên tháng Bảy và lễ Tất niên tháng Chạp. Mục đích của ngày lễ Thượng nguyên là cầu cho khởi đầu năm mới an lành suôn sẻ, dân giàu nước mạnh, gia đình no đủ, an vui.

Người xưa truyền lại mấy lời tâm nguyện mang tính răn dạy hậu thế như sau:

Trời được đạo thì trong
Đất được đạo thì yên
Nước được đạo thì đầy
Vạn vật được đạo thì sinh sôi
Con người được đạo thì ấm no hạnh phúc.

Trong 60 ngày đêm mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, đền Dâu đã trở thành trụ sở cứu thương và kho quân lương của Trung đoàn Thủ Đô bảo vệ cho Liên khu 1. Với bề dày lịch sử và vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân đất kinh kỳ Thăng Long Hà Nội, đền Dâu đã được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử và di tích cách mạng kháng chiến của Thủ đô Hà Nội. Tiếc thay, vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội,  cụ thủ từ Trang Công Thịnh đã vĩnh viễn về nơi chín suối, thành người thiên cổ, khi mới chớm bước sang tuổi thất thập, để lại lòng tiếc thương vô hạn cho cháu con và đệ tử gần xa.

Về đền Dâu nhân kỳ Tết Thượng nguyên đầu năm mới để cầu phúc cầu lộc, ai đó thảy đều vui mừng phấn chấn trước quang cảnh sáng sủa rực rỡ của đền cảnh mùa xuân mới với hoa thơm trái ngọt, phẩm tốt vật tươi. Tuy nhiên người người cũng không khỏi chạnh lòng tưởng nhớ vị thủ từ tôn kính Trang Công Thịnh - người đã có công lao lớn trong công cuộc đại trùng tu ngôi đền được khang trang đàng hoàng như hiện nay, sau bao năm bị hư hại xuống cấp nặng nề. Cụ cựu thủ từ còn có công kế tục các bậc tiền nhiệm, tận tâm giữ gìn những bằng chứng và di vật quý giá của ngôi đền qua bao cơn binh lửa loạn lạc.

Nếu quý vị muốn thưởng thức hương vị những món cỗ cổ truyền Hà Nội trong ngày Tết Thượng nguyên, xin vui lòng chờ tới ngày 18 tháng Giêng năm mới, là ngày hằng niên đền Dâu làm lễ, nhớ dọn mình sạch sẽ, rồi đem chút thanh bông hoa và chút tiền công đức góp phần tôn tạo, gìn  giữ  bản đền. Thể nào quý vị cũng được người nhà đền mời dự bữa cơm thụ lộc các bậc vương thánh đền Dâu tối linh và tối hảo. Để rồi ai nấy đều bước vào một năm mới tràn ngập những hy vọng tốt lành, đẹp đẽ...

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung