Tên vô lại hiếm có ( Phần cuối)
Truyện ngắn của AZIZ NESIN (Thổ Nhĩ Kỳ)

Nguyên Đăng dịch 12/10/2010 00:00

>> Tên vô lại hiếm có (Phần 1)

Một lần, tôi lại tìm cách đến thăm ông kỹ sư và tôi lại kiên trì khơi chuyện người lái xe.

- Hay là ông ta ăn hối lộ? - Tôi hỏi.

- Úi trời, ai lại đi bôi nhọ người ta như thế. Ông ta tất nhiên là một tên vô lại rồi, nhưng chưa ai bắt gặp ông ta ăn hối lộ lần nào…

- Nếu thế, chắc ông ta là người gian giảo phải biết!

- Đâu có, con người này không thế đâu!

Khi chúng tôi đến ngôi nhà xinh xắn, ông kỹ sư đi vắng. Bà vợ niềm nở chào tôi.

- Mời ông vào, may quá, nhà tôi về ngay bây giờ thôi!… Quý hóa quá… Ông nhà tôi đi vắng đã hai hôm nay. Đi đánh dấu những cây sắp đốn đấy ạ… Thợ rừng cứ hay đánh lừa nông dân, họ chọn toàn những cây không đúng quy cách, cho nên nhà tôi phải đích thân đi đánh dấu từng cây. Ông ấy cũng định sáng nay thì về. Chắc là về đến nơi bây giờ. Mời ông vào ạ, mời ông vào chơi…

- Cám ơn bà, để tôi ra rừng bách bộ một lúc rồi quay lại cũng vừa…

Tôi vào sâu trong rừng. Được một lát, tôi nghe có tiếng còi huýt, tiếng rậm rịch, tiếng máy ô tô. Trèo lên đồi, tôi trông thấy một con đường. Một chiếc xe jeep đang chạy băng băng. Ông kỹ sư đã về đến nơi. Ông đang đứng trước nhà. Cũng tại đó, còn có ba người thợ rừng và hai người nông dân, một người đã đứng tuổi, người kia vẫn còn trẻ lắm…

- Chào ông, chào ông - ông kỹ sư chào tôi - tôi giải quyết xong việc ngay đây…

Qua câu chuyện của tốp thợ rừng với ông kỹ sư, tôi hiểu: hai người nông dân đã đốn cây trộm, giữa lúc họ đang xếp cây lên xe định kéo về thì bị bắt quả tang. Đến đây, bà vợ ông kỹ sư mời tôi vào trong nhà nên tôi không nghe được hết câu chuyện.

Được mấy phút sau, ông kỹ sư bước vào:

- Hay quá, ông lại ghé qua nhà chúng tôi… Rất lấy làm hân hạnh… Vừa hay, đến giờ ăn trưa…

Từ chối không thể được. Hơn nữa, tôi cũng có ý định tìm hiểu kỹ ông kỹ sư. Bà vợ đã bày bàn xong. Tôi và người lái xe ngồi vào chỗ của mình.

Ông kỹ sư kể về hai tên trộm vừa bị bắt:

- Bà con dân nghèo còn biết làm sao được? Đất không có, mà nếu có cũng chỉ được một mảnh nhỏ, đằng nào thì cũng thiếu… Công ăn việc làm thì không… Nhà máy, xí nghiệp chưa xây dựng… Chỉ bằng những công việc mà chúng tôi giao cho họ làm trong rừng thì làm sao họ nuôi nổi gia đình? Đốt rừng lấy đất trồng màu thì tôi không cho phép… Họ biết làm sao, chờ chết đói à? Thế là đành phải đi chặt cây trộm lấy củi đem vào thành phố bán… Không may, bị chúng tôi tóm cổ… Tôi đã ra lệnh cho anh em thợ rừng là nếu chưa có ý kiến của tôi, không được giao một tên trộm nào cho cảnh sát. Nhà giam trong thành phố đã chật ních những “phạm nhân” loại này rồi… Nếu không bắt họ nộp phạt thì không hoàn thành phận sự. Mà bắt họ nộp thì cũng bứt rứt lương tâm. Việc này đến là khó xử…

Sự tò mò của tôi càng lớn mãi ra. Vậy thì, hãy làm ơn cho biết, tại sao ai cũng chửi bới một con người đáng kính trọng như thế này? Nỗi tò mò làm bứt rứt không yên, tôi nhảy lên một chiếc xe buýt chạy ra thị trấn gần đó. Một người nông dân ngồi cạnh tôi. Tôi biết bác ta. Đó chính là người đã được vợ chồng ông kỹ sư băng bó trong hôm tôi đến thăm lần đầu. Tôi bắt chuyện với bác ta và ca tụng ông kỹ sư.

- Hay ho gì mà ông khen ông kỹ sư đó? - Người nông dân bỗng dưng nổi cáu - Một tên vô lại không hơn không kém!

Tôi nhắc lại chuyện ông kỹ sư đã cấp cứu bác ta như thế nào.

- Đó là một chuyện, còn cái chuyện ông ta được liệt vào hàng vô lại, đấy là chuyện hoàn toàn khác - Tôi nghe được câu trả lời như thế.

Dọc đường tôi cố moi chuyện bác nông dân kia, song ngoài cái câu “ông kỹ sư đó là một tên vô lại hiếm có”, tôi không nghe thấy bác ta nói gì hơn.

Trong thị trấn, tôi có một người quen, là chủ một cửa hiệu, chính ông này đã giúp tôi thuê nhà trong xóm núi. Cửa hiệu của ông bạn tôi có bán đủ thứ, từ máy thu thanh, máy thu hình cho đến thuốc nhuộm tóc, từ giày dép cho đến sách vở và động cơ. Tôi hỏi ông ta không cần úp mở rằng tại sao mọi người đều ghét ông kỹ sư đến thế.

- Nếu mọi người đều cho là như thế thì sự thực cũng đúng là như vậy đấy.

- Nhưng ông ta tồi tệ ở chỗ nào cơ chứ?

- Ở chỗ ông ta là người tồi tệ…

Tôi đặt ra đủ loại giả thuyết. Có lẽ ông kỹ sư này tai tiếng về chuyện nam nữ chăng? Hay là ông ta ngoại tình?
Ông chủ hiệu liền gạt đi ngay.

- Theo chỗ chúng tôi được biết, ông ta là một người chồng tuyệt vời, một ông chủ gia đình tuyệt vời…

Thế là, như tôi đã nói, tôi lại đề ra những giả định phi lý bậc nhất. Vậy thì, ông ta chắc hẳn phải là một người chẳng còn trẻ trung gì nữa, nhưng… biết đâu đấy… lại hay làm đỏm… già đời còn chơi chua?

- Nhảm, nhảm - ông chủ hiệu phát khùng - Ai dám bịa ra chuyện đó?

Hễ tôi đặt ra cho ông kỹ sư một khuyết tật gì thì lập tức ai cũng đứng lên bảo vệ ông ta.

Tôi không ghìm nổi nữa.

- Nếu các ông đều coi người đó là đồ vô lại, sao các ông không viết đơn tố giác lên bộ?

- Sao lại không? Ông hãy đi với tôi!

Chúng tôi kéo nhau đi. Ông chủ hiệu dẫn tôi đến văn phòng của luật sư.

Luật sư cũng là người sở tại.

- Vị này thắc mắc là tại sao chúng tôi không viết đơn khiếu nại lên trên về ông kỹ sư lâm nghiệp, vâng, cái tên vô lại đó. Xin luật sư cứ cho vị ấy xem đơn của chúng tôi…

Ông luật sư lôi ra một cặp giấy dày.

- Xin mời, ngài cứ xem…

Tôi giở những lá đơn trong cặp ra đọc. Đó là bản sao các lá đơn của cả cá nhân lẫn tập thể. Trong tất cả các lá đơn đều có một đề nghị chung là thuyên chuyển ông trưởng trạm kiểm lâm đi nơi khác. Các lá đơn đều đề nơi kính gửi là bộ Lâm nghiệp, thậm chí được đệ trình cả thủ tướng chính phủ… Có cả bản sao các bức điện khẩn.

Tôi kinh ngạc:

- Tại sao có ngần ấy đơn khiếu nại rồi mà vẫn không chuyển người đó đi nơi khác?

- Ngài cũng thấy đấy, họ có chuyển đi đâu - luật sư đáp.

- Ông kỹ sư đó làm gì tồi tệ thế? - Tôi hỏi luật sư.

- Ông ta thì nhiều tội lỗi lắm - luật sư trả lời - khó mà kể riêng một tội gì…

Tôi đã mất hết hy vọng mong hiểu ra đầu đuôi sự việc. Rõ ràng rồi - Ông kỹ sư là một người tồi. Nhưng tại sao? Nỗi tò mò trong tôi chưa được giải tỏa. Tôi năng đến chơi nhà ông hơn. Càng gần gũi nhau, tôi lại càng thấy mến ông. Trong nhà ông có đầy những sách. Ông đọc nhiều, biết rộng, nói chuyện với ông thật là thích thú, học hỏi được nhiều điều. Ông giúp tất cả những người mà ông có thể giúp, và ông không hề mong đợi một sự đền ơn ở bất cứ dạng nào.

Nghĩ đến sự chửi bới của dân vùng này đối với ông, tôi cho rằng: “Làm ơn cho thiên hạ là chuốc oán cho mình”. Có lần không kìm giữ nổi, tôi đã nói với ông kỹ sư:

- Mọi người đều kêu ông là người tồi đấy. Cấm thấy một người nào ở vùng này chịu khen ông một câu. Mà ông thì làm cho họ bao nhiêu việc tốt…

Ông mỉm cười:

- Vâng, tôi có nghe thấy, họ chửi tôi ghê lắm.

- Nhưng tại sao lại thế?

- Ông đi hỏi họ ấy!

- Họ chỉ quen kiểu “nhận ân trả oán” thôi - tôi nói. - Những người vong ơn bội nghĩa…

- Ấy chớ, ông đừng nói thế, chuyện hoàn toàn khác cơ - ông cãi lại.

Thời gian ở xóm núi của tôi đã hết. Trước khi ra đi, tôi tặng cho ông chủ nhà một lô quà cáp. Khi chia tay, muốn gì thì gì tôi vẫn không ghìm nổi, nên hỏi:

- Ông trưởng xóm ạ, tôi đi đây. Chỉ mong ông một điều, ông nói đi, rốt cuộc thì ông kỹ sư ở đây tồi tệ ở chỗ nào?

Trưởng xóm đáp:

- Ông ta cũng chẳng làm chuyện gì xấu xa cho tôi, nhưng mọi người đều bảo rằng ông ta tồi, thế thì tôi làm sao nghĩ khác thiên hạ cho được…

Bằng cách đó ông trưởng xóm lảng tránh trả lời thẳng vào câu hỏi. Tôi còn đến chào ông bạn giáo làng, nhưng cũng chẳng thu thập được thêm điều gì.

Tôi rời khỏi xóm rừng đó, đi vào thị trấn. Còn phải chờ hai tiếng nữa mới có xe đi Istambul. Để giết thời gian, tôi đến văn phòng ông luật sư già:

- Tôi phải về, nên đến để chào ông…

Luật sư mừng rỡ chào tôi, trong khi đó tôi nói tiếp:

- Tôi thắc mắc đến chết đi mất. Ông làm ơn nói cho tôi biết tại sao ông kỹ sư lại là người tồi? Ông hãy tin ở tôi, tôi sẽ không nói lại cho người khác.

Luật sư kể với tôi bằng một giọng tin cẩn:

- Thôi được, tôi tin là ngài sẽ không bép xép. Ở vùng tôi, cũng như bất kỳ một địa phương nào khác, có những nhà chức trách tồi, cũng có những nhà chức trách khá…

- Hiển nhiên rồi - tôi phụ hoạ.

- Thông thường, gặp phải một nhà chức trách tồi tệ đến mức không chịu nổi, người dân phải kêu ca.

- Đương nhiên - tôi nói chêm vào.

- Nhưng dân ở đây càng kêu, nhà chức trách càng ở lâu tại chỗ. Chính phủ chẳng việc gì phải vội vàng thuyên chuyển. Nói chung, số nhà chức trách tồi có nhiều hơn số tử tế. Thông thường, hễ gặp một nhà chức trách tử tế được lòng dân, đi đâu cũng thấy người ta ca ngợi ông ta. Thế là trên bèn chuyển ông ta đi chỗ khác ngay lập tức. Những nhà chức trách tử tế không bao giờ ở đây được lâu. Dân có kiến nghị, có khiếu nại thế nào chăng nữa cũng vô ích. Chúng tôi hiểu rất rõ điều đó, từ kinh nghiệm của bản thân mình. Do đó, có được một nhà chức trách tử tế, chúng tôi bèn rêu rao chửi rủa ông ta không tiếc một lời nào. Ông kỹ sư đó là một ví dụ. Chúng tôi bêu xấu ông ta từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Dần dần, chúng tôi còn viết đơn đề nghị chuyển cái tên vô lại đó đi nơi khác. Chúng tôi lấy được hàng trăm hàng nghìn chữ ký. Bằng cách đó, chúng tôi giữ chân được ông ấy ở đây đã bốn năm nay. Giữ được độ bốn năm nữa thì tốt quá. Bây giờ, ngài hãy thử hỏi ý kiến dân về ông nghị mà xem. Ngài khắc rõ đầu đuôi mọi chuyện.

Tôi hiểu ra tình hình là thế. Nhưng, kể cũng khó hiểu, tại sao chính phủ lại chuyển những nhà chức trách tốt đi chỗ khác, để những nhà chức trách tồi ở lại?

Luật sư giải thích:

- Lúc tranh cử, đảng cánh hữu thu được ở vùng này rất ít phiếu, cho nên chính phủ nghĩ ra cách trừng phạt như thế.

- Ai cũng chửi bới ông kỹ sư, thế thì vùng này không có đại biểu thuộc phe phái của đảng cách hữu à?

- Có, chính tôi là đảng viên cánh hữu đây. Nhưng trong chuyện này thì chúng tôi thống nhất quan điểm, chúng tôi muốn ở đây chỉ có toàn những nhà chức trách tử tế, và chúng tôi thông đồng với nhau: nhất tề lên tiếng chửi bới những người tử tế.

Lúc chia tay, luật sư còn dặn thêm.

- Thế nào ngài cũng phải hỏi xem dân ở đây nghĩ như thế nào về ông nghị đấy nhé.

Ở bến xe (xe buýt chậm giờ) tôi hỏi dò ý kiến của ít ra là hai chục người về vị nghị sĩ. Người nào cũng ca tụng công lao, tâng bốc ông ta đến tận trời xanh.

Một trong số những người được hỏi lúc lên xe, ngồi ngay cạnh tôi, hóa ra anh này là nhân viên của hội đồng dân biểu.

Tôi nghe thấy câu trả lời của anh ta mà trợn tròn cả hai con mắt.

- Ông nghị ấy à? Đó là tên vô lại nhất trong đám những tên vô lại.

- Không thể thế được! Trừ anh ra, còn thì ai cũng ca ngợi ông ấy.

- Thiết nghĩ… chẳng qua chỉ vì họ còn chưa biết rằng ông ta sắp phải chuyển đi nơi khác đấy thôi… Mãi đến sáng hôm nay chúng tôi mới nhận được thông báo: chờ đến khi báo chí đưa tin về sự bổ nhiệm mới, ông hãy thử hỏi lại đúng cái câu ông hỏi từ nãy đến giờ xem họ sẽ trả lời như thế nào.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tên vô lại hiếm có ( Phần cuối)<br><I>Truyện ngắn của</I> AZIZ NESIN<I> (Thổ Nhĩ Kỳ)</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO