Tem sẽ biến mất?

Lê Thủy 01/02/2016 08:55

Manh nha xuất hiện từ giữa thế kỷ XVII và chính thức ra đời thế kỷ XIX, con tem đã được coi là phát minh giúp cho liên lạc trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, có vẻ như sứ mệnh của con tem sắp hết.


Khi tem không được dán trên thư

Giá trị sử dụng của tem ngày càng giảm khi nhiều người chuyển sang sử dụng thư điện tử, liên lạc qua điện thoại, internet. Thậm chí, khi vẫn còn thư tay, tem cũng không còn thực sự cần thiết trong hoạt động bưu chính. Nhà sưu tầm Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm CLB Viet Stamp cho biết: Mối quan hệ giữa tem và ngành bưu điện là mối quan hệ cá - nước, tuy nhiên, tại Việt Nam, quan hệ này đang có những vấn đề bất hợp lý. Theo quy định của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, từ ngày 16.3.2014, thư ghi số trong nước không được dán tem mà chỉ quay trên máy. Tem bưu chính được Nhà nước phát hành để làm nhiệm vụ bưu chính, thể hiện số tiền cước phải trả, nhưng không được dán trên thư, không được sử dụng. Điều này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa đơn vị phát hành tem và đơn vị làm nhiệm vụ bưu chính. Một số bưu cục hiện nay không chấp nhận thư dán tem, vì bưu cục không thu được tiền khi thư đã dán tem mua ở nơi khác mang đến. Nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, tem bưu chính sẽ chết ngay trong môi trường sống vốn có của nó là các bưu cục.

Còn theo ông Nguyễn Đại Hùng Lộc - Phó chủ tịch Hội Tem TP Hồ Chí Minh: Việc phát hành tem tại Việt Nam đang có xu hướng giảm, thể hiện xu thế chung, do nhiều yếu tố tác động. Nếu năm 2000, ngành bưu chính phát hành 30 bộ với 80 mẫu tem, 2009 là 9 bộ với 28 mẫu, thì năm nay là 10 bộ nhưng chỉ 22 mẫu tem, số lượng tem phát hành cũng giảm đáng kể so với trước.

Đời sống thứ hai

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Hội Tem Việt Nam, để có thể tham gia thị trường tem chơi, bưu chính Việt Nam cần đổi mới 4 khâu: Thứ nhất, thiết lập chương trình đề tài, các bộ tem, nếu một năm ra nhiều tem sẽ không gây chú ý với công chúng. Thứ hai, cách thể hiện trên tem cần sáng tạo, độc đáo. Thứ ba, chế tạo tem cần gắn liền với khoa học kỹ thuật hiện đại, không còn thuần in ấn như xưa. Và cuối cùng, phải đánh giá đúng nhu cầu thưởng thức văn hóa, quảng bá đất nước trên tem, và có hướng phát triển nó.

Qua hơn 170 năm từ khi chính thức ra đời tại Anh (năm 1840), con tem đã có nhiều thay đổi. Từ thế kỷ XIX, tem được coi là phương tiện để thanh toán cước phí bưu chính. Nhưng kể cả đã làm xong nhiệm vụ của mình, nó lại có đời sống thứ hai - dưới hoạt động của những nhà sưu tầm, tem đã mở rộng thêm “chức năng” văn hóa, được coi là “bảo tàng nghệ thuật”, “pho lịch sử thu nhỏ”;  mang trên mình nền văn hóa của đất nước ra giao lưu với thế giới, là bức thông điệp quốc gia, vị đại sứ trung lập... Và nhu cầu tem chơi vẫn đang rất phát triển. Chơi tem, cùng với bóng đá, được coi là những loại hình hấp dẫn đông đảo người chơi nhất trên thế giới.

Thời điểm hiện tại, khi giá trị sử dụng giảm, hàm lượng văn hóa của con tem ngày càng nâng cao, phải tăng cường khai thác khía cạnh thứ hai, bởi nếu bưu chính không sử dụng thì tem sẽ chết - ông Nguyễn Văn Chí, Hội Tem Việt Nam nhận định. Việc tem có biến mất hay không cũng là điều băn khoăn từ lâu, và khi tìm hiểu thì nhận thấy rằng: Thế giới coi tem và thư là hai vấn đề khác nhau. Đến nay chưa thấy nước nào ngừng phát hành tem. Tuy nhiên, nếu bưu chính không sử dụng tem trên thư sẽ tác động rất lớn, thậm chí không còn tem chơi.

Công nghiệp tem chơi

Không đơn thuần phục vụ hoạt động bưu chính, ngày nay, tem còn được coi là một thương phẩm, thị trường tem chơi thế giới có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Trong khi đó, theo nhiều nhà sưu tầm, Việt Nam chưa hòa nhập được vào ngành công nghiệp này mà chỉ có các kênh tiểu ngạch nhỏ lẻ.

Là thương phẩm, tất nhiên, tem luôn được chú ý sáng tạo để trở nên hấp dẫn. Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc cho biết, bưu chính nhiều nước dựa vào những sự kiện lớn của quốc gia để phát hành tem, số lượng phát hành ít, giá bề mặt cao, nhưng vẫn được chấp nhận vì làm phong phú thị trường tem chuyên đề. Ngoài chủ đề, kỹ thuật, công nghệ sản xuất tem cũng luôn thay đổi. Ngay tại các quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia... tem có nhiều kích thước, hình dạng (tam giác, đa giác, tem tròn...); đến chất liệu (tem in trên lụa, trên nhựa, tem rập nổi, tem hologram, tem đính pha lê, tem đính hạt lúa, đưa cát trên sa mạc vào trong tem...). Thậm chí, có quốc gia còn sử dụng công nghệ hiện đại tích hợp, để khi dùng điện thoại soi lên tem sẽ có thêm nhiều thông tin, âm nhạc trong đó... Điều đó cho thấy, những người sản xuất tem thế giới luôn không ngừng sáng tạo, đổi mới, bởi nếu cứ giữ mãi cách truyền thống, tem sẽ không còn người chơi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tem sẽ biến mất?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO