Tây Ninh: Tiếp công dân theo mô hình mới, giảm tải cấp tỉnh, thuận tiện cấp xã
Tỉnh Tây Ninh triển khai mô hình tiếp công dân theo hướng phân cấp về xã, phường, giúp người dân dễ dàng thực hiện thủ tục hành chính ngay tại địa phương, đồng thời giảm áp lực tiếp nhận hồ sơ tại cấp tỉnh.

Cùng với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1/7/2025, tỉnh Tây Ninh đã ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh. Đây là một trong những bước đi cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời thúc đẩy cải cách hành chính theo hướng phục vụ, lấy người dân làm trung tâm.
Theo đó, Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm của công dân và cán bộ, công chức trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Công dân đến làm việc phải tuân thủ quy trình, giữ gìn trật tự, có thái độ đúng mực và cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan. Đáng chú ý, người dân không được tự ý ghi âm, ghi hình khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân; không căng, treo khẩu hiệu, băng rôn trong khu vực tiếp dân.
Đối với cán bộ, công chức tiếp công dân, yêu cầu đặt ra là phải có trang phục chỉnh tề, thái độ tôn trọng công dân, tiếp nhận và xử lý thông tin đúng quy trình; đồng thời hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ để người dân nắm được quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Trường hợp người dân vi phạm nội quy hoặc cố tình khiếu nại kéo dài không đúng quy định, cán bộ có quyền từ chối tiếp và báo cơ quan chức năng xử lý.
Lịch tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh được ấn định vào ngày 20 hằng tháng, giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận lãnh đạo để phản ánh, kiến nghị.
Cùng với việc ban hành nội quy tiếp công dân, mô hình chính quyền hai cấp tại Tây Ninh bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt trong cải cách hành chính. Ghi nhận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, trong những ngày đầu thực hiện mô hình mới, không khí làm việc trở nên nhẹ nhàng hơn khi lượng người đến nộp hồ sơ tại các quầy thường xuyên “nóng” như đất đai, tài nguyên, nông nghiệp… đã giảm đáng kể.

Theo đó, nguyên nhân không phải vì nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính giảm, mà bởi người dân đã có thể thực hiện hồ sơ ngay tại các Trung tâm hành chính công cấp xã, phường mới được kiện toàn. Điển hình như tại xã Thuận Mỹ, người dân chỉ mất khoảng 5–10 phút để hoàn tất các thủ tục về đất đai hoặc xác nhận hồ sơ xin việc làm, không còn phải đi xa hoặc chờ đợi lâu như trước.
Chính sách mới cho phép người dân nộp hồ sơ tại bất kỳ Trung tâm hành chính công cấp xã, phường nào – kể cả đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép nuôi trồng thủy sản, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm… Người dân có thể nhận kết quả ngay tại địa phương, thay vì phải di chuyển lên tỉnh.
Việc phân cấp tiếp nhận và xử lý hồ sơ đã giúp giảm rõ rệt áp lực cho bộ phận một cửa cấp tỉnh. Trước đây, chỉ riêng lĩnh vực tài nguyên đã tiếp nhận khoảng 60 hồ sơ/ngày, chưa kể hồ sơ liên quan đến nông nghiệp, thủy lợi, môi trường, thú y, thủy sản… thì nay đã có sự phân luồng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho người dân.
Có thể nói, việc ban hành nội quy tiếp công dân cùng với mô hình chính quyền hai cấp đã tạo thêm nền tảng quan trọng để xây dựng nền hành chính phục vụ tại tỉnh Tây Ninh. Người dân không còn bị ràng buộc bởi địa điểm nộp hồ sơ; đồng thời được đảm bảo quyền khiếu nại, phản ánh trong môi trường chuyên nghiệp, tôn trọng pháp luật và trách nhiệm.
Sự thay đổi về phương thức tổ chức, phân cấp thẩm quyền và nâng cao năng lực phục vụ từ cấp xã, phường không chỉ mang lại thuận lợi cho người dân mà còn phản ánh quyết tâm cải cách của tỉnh Tây Ninh trong giai đoạn mới – xây dựng chính quyền gần dân, vì dân.