Tay chân miệng vào mùa cao điểm: Không có thuốc đặc hiệu, cần theo dõi sát tại nhà
Tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ, dễ lây lan và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Phụ huynh cần nhận biết sớm triệu chứng và theo dõi sát khi chăm sóc tại nhà.
Theo bác sĩ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, bệnh tay chân miệng có thể gặp quanh năm nhưng thường bùng phát mạnh vào hai thời điểm: tháng 4–6 và tháng 9–11. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhà trẻ, mẫu giáo là nhóm có nguy cơ cao.
Bệnh lây nhanh qua nước bọt, dịch bọng nước, phân và dịch hô hấp, dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng ngừa.
Phần lớn ca bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà bằng thuốc hạ sốt, sát khuẩn, bù nước – điện giải. Tuy nhiên, cần theo dõi sát để phát hiện sớm biến chứng và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
Triệu chứng và cảnh báo biến chứng nguy hiểm
Bệnh tay chân miệng thường tiến triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, trẻ có thể sốt nhẹ, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy. Sang giai đoạn toàn phát (kéo dài từ 3 đến 10 ngày), trẻ xuất hiện các dấu hiệu rõ rệt như loét miệng, phát ban dạng bọng nước ở tay, chân, mông kèm sốt nhẹ, buồn nôn. Nếu không có biến chứng, trẻ sẽ dần hồi phục trong giai đoạn lui bệnh.
Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt cảnh giác với các dấu hiệu như sốt cao kèm li bì, khó đánh thức, giật mình, co giật, run tay chân… Đây có thể là biểu hiện của biến chứng thần kinh nguy hiểm. Trong trường hợp này, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà mà cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu nhằm giảm nhẹ triệu chứng và tăng cường sức đề kháng. Phụ huynh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc hạ sốt, sát khuẩn và các biện pháp chăm sóc tại nhà như bù nước, vệ sinh miệng – da, bổ sung dinh dưỡng hợp lý.
Đặc biệt, trong quá trình theo dõi tại nhà, nếu trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao không đáp ứng thuốc, lừ đừ, nôn nhiều, co giật... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ xảy ra biến chứng nặng.

Một số thuốc và biện pháp hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Thuốc hạ sốt – giảm đau:
Paracetamol (Acetaminophen) thường được sử dụng để hạ sốt, giảm đau do loét miệng, nổi mụn nước. Liều khuyến cáo: 10–15 mg/kg/lần, cách mỗi 4–6 giờ nếu cần. Trẻ khó uống có thể dùng dạng viên đạn đặt hậu môn.
Thuốc giảm ngứa – kháng histamin:
Để giảm ngứa ngoài da, có thể sử dụng một số loại thuốc bôi như:
- Kem/dung dịch Calamine: Làm dịu da, giảm ngứa nhẹ, làm mát; không bôi lên vết loét, da trầy xước.
- Kem chứa kẽm oxyd (Zinc Oxide): Làm dịu, giảm kích ứng và viêm nhẹ.
- Xanh methylen hoặc dung dịch Milian: Có tác dụng sát khuẩn, làm khô vết ban, giảm ngứa.
- Kem dưỡng ẩm dịu nhẹ (không mùi, không corticoid): như Cetaphil, Eucerin Baby, A-Derma.
Với trường hợp ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định:
- Thuốc kháng histamin thế hệ 1 (Chlorpheniramine): dùng ngắn ngày, có thể gây buồn ngủ.
- Thế hệ 2 (Cetirizine, Loratadine): ít gây buồn ngủ, dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
Lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng các thuốc bôi hoặc uống có chứa corticoid (như hydrocortisone, betamethasone…), vì có thể làm bệnh nặng thêm hoặc gây tác dụng phụ.
Bổ sung nước và điện giải:
Trẻ dễ mất nước do sốt, ăn uống kém nên cần bổ sung:
- Oresol: Bù nước – điện giải, pha đúng liều lượng, cho uống từng ngụm nhỏ, theo nhu cầu.
- Nước lọc, nước trái cây loãng: Ưu tiên loại dễ nuốt, không chua gắt. Không dùng nước ngọt, nước có gas.
Sát khuẩn miệng và da:
- Nước muối sinh lý 0,9%: Dùng để súc miệng, vệ sinh vùng da tổn thương nhẹ.
- Betadine súc họng (pha loãng): Dùng khi loét miệng rõ rệt, theo hướng dẫn bác sĩ.
Vitamin và khoáng chất:
Giúp tăng cường miễn dịch, hỗ trợ phục hồi. Nên dùng các loại phù hợp với độ tuổi như: Vitamin C, A, B1, PP, kẽm… dưới dạng siro hoặc viên. Không nên dùng liều cao kéo dài nếu không có chỉ định chuyên môn.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh, phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh sàn nhà, đồ chơi bằng dung dịch Cloramin B 2%, tiệt trùng các vật dụng ăn uống cho trẻ sau mỗi lần dùng.
Đặc biệt, không tự ý dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ, không dùng kháng sinh hoặc thuốc kháng virus như acyclovir nếu trẻ không có bội nhiễm rõ ràng.