Tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm thuyền cá Việt Nam là hành động khủng bố
Trao đổi về việc tàu Trung Quốc đâm chìm thuyền đánh cá Việt Nam, ỦY VIÊN TƯ ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QH HUỲNH NGỌC SƠN nêu rõ: xét từ góc độ trách nhiệm pháp lý, việc tàu Trung Quốc đâm chìm thuyền cá của ngư dân Việt Nam khi đang hoạt động hợp pháp trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể xem là một hành động mang tính chất khủng bố.
- Chiều 26.5, tàu Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm thuyền cá ĐNA 90152 của Việt Nam ở vị trí cách giàn khoan Hải Dương 981 17 hải lý. Cùng lúc đó, còn có khoảng 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu thuyền của ngư dân Việt Nam. Bất chấp các nỗ lực và kiềm chế của Việt Nam, khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vẫn rất căng thẳng. Phó chủ tịch QH có nhận định như thế nào về vấn đề này?
- Việc tàu của Trung Quốc đâm chìm thuyền cá của ngư dân Việt Nam trong vùng hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, tức là trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động không thể chấp nhận được. Diễn biến trên biển cho thấy, tàu phía Trung Quốc ngày càng gia tăng mức độ đâm, va, làm tổn hại tàu chấp pháp và tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam. Thời gian đầu, các va chạm còn nhẹ, nhưng càng ngày mức độ đâm, va làm hư hỏng tàu thuyền của Việt Nam ngày càng tăng. Hành động này của phía Trung Quốc vừa nhằm mở rộng phạm vi rào chắn giàn khoan Hải Dương 981; đồng thời vừa nhằm đe dọa ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, ngư dân Việt Nam không hề e ngại. Chúng ta đã tính trước được các tình huống. Gần đây, tàu thuyền đánh cá Việt Nam ra khơi đều đi theo tổ, đội để kịp thời hỗ trợ nhau.
Ngay sau sự kiện này, Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc; đồng thời, triển khai các hoạt động ngoại giao để lên án hành động của phía Trung Quốc. Xét từ góc độ trách nhiệm pháp lý, việc một tàu Trung Quốc đột ngột đâm thẳng vào, gây thiệt hại nặng nề cho tàu cá của ngư dân Việt Nam khi tàu cá này đang hoạt động hợp pháp trong ngư trường truyền thống thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì có thể xem đó là một hành động mang tính chất khủng bố. Từ trước đến nay, trước những hành động như vậy, Việt Nam vẫn yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường vì về nguyên tắc, trên ngư trường thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của một nước, anh là tàu nước ngoài, tự tiện đâm va vào tàu thuyền đánh bắt của nước đó thì anh phải bồi thường thiệt hại.
- Có thể thấy, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có các hành vi khiêu khích và xâm phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông thì việc ngư dân đánh bắt tại ngư trường truyền thống thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta đang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên, ngư dân vẫn kiên trì bám biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Theo Phó chủ tịch QH, trong bối cảnh cụ thể như vậy, Nhà nước nên có những biện pháp như thế nào để hỗ trợ ngư dân vững vàng hơn nữa trên Biển Đông?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ việc hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta trên Biển Đông. Thực tế, vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ. Ví dụ, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng ta đã hỗ trợ các hộ vay vốn để cải tạo, đóng mới tàu đi biển, từ đó, có thể vươn khơi đánh xa bờ, góp phần tăng sản lượng, nguồn thu cho ngư dân. Chúng ta cũng đã có những chính sách hỗ trợ rất cụ thể cho ngư dân như hỗ trợ về dầu máy, thiết bị trữ lạnh để bảo quản hải sản đánh bắt được... Cùng với đó, để bảo đảm tính mạng cho ngư dân, các cơ quan chức năng đã triển khai hỗ trợ ngư dân về hệ thống thông tin. Các tàu thuyền được tổ chức đi theo toán, theo đội và sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Tại Đà Nẵng, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ngư dân Đà Nẵng đã đóng được tàu có công suất lớn, hiệu quả đánh bắt xa bờ được nâng lên. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, chúng ta chưa thể cùng lúc hỗ trợ đóng tàu sắt hết được. Điều quan trọng là phải tổ chức việc đánh bắt của ngư dân tốt hơn, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển cũng cần có kế hoạch sẵn sàng bảo vệ ngư dân trên biển.
- Xin cám ơn Phó chủ tịch QH!