Tàu một ray- giải pháp cho giao thông đô thị Việt Nam?

An Bình 14/08/2010 00:00

Việt Nam đang loay hoay với nhiều dự án cải thiện tình hình giao thông; tình trạng tắc nghẽn giao thông vẫn là câu chuyện chưa tìm ra lời giải ở đô thị Việt Nam. Theo các nhà khoa học, để góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, tàu 1 ray có thể là giải pháp khả thi hiện nay.

Bất cập trong giao thông đô thị

Tại Việt Nam, hệ thống giao thông công cộng hiện nay ở đô thị vừa thiếu vừa yếu. Các phương tiện cá nhân tăng nhanh, ý thức người tham gia giao thông kém, dẫn đến tình trạng ùn tắc, ô nhiễm.

Hiện tại, xe buýt, một loại hình giao thông công cộng, vẫn được coi là giải pháp cho giao thông đô thị. Đây là phương tiện phổ biến, đầu tư không lớn, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Tuy nhiên, loại phương tiện này có tốc độ không cao, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng hiện có, khả năng giải quyết vấn đề ắch tắc thấp, rủi ro tai nạn giao thông cao. Xe buýt chỉ là giải pháp tạm thời; nếu xe buýt cứ 1-2 phút lại có một chuyến thì sẽ chiếm đường của nhiều loại giao thông khác. Cùng với việc phát triển nhiều loại hình giao thông công cộng để giảm thiểu ùn tắc, việc phát triển tàu điện 1 ray được cho là giải pháp khả thi cao.

Một giải pháp khả thi?

Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam Ngô Doãn Đức cho rằng, loại hình tàu 1 ray rất phù hợp với đô thị Việt Nam. Tàu 1 ray có nhiều ưu điểm, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư ít. Khi hoạt động, monorail (đường một ray) có khả năng vận tải hành khách lớn hơn các loại vận tải khác trong thành phố. Tàu di chuyển êm, không gây ồn, không gây ô nhiễm môi trường. Monorail rất an toàn khi vận hành và ít khi bị hỏng hóc, đồng thời, thể hiện tính hiện đại văn minh trong giao thông và trong không gian đô thị. Trên thế giới, những thành phố lớn như New York hay London, 80 - 85% số hành khách đi trên đường sắt đô thị (tàu điện ngầm, đường sắt trên cao...), 15 - 20% còn lại đi bằng ô tô, xe máy, taxi, đi bộ...

So với loại hình khác như tàu điện ngầm, tàu đường sắt 2 ray trên cao giá của tàu 1 ray chỉ bằng khoảng 1/5, với tổng đầu tư 8 triệu USD/km, trong khi đầu tư cho tàu điện 2 ray là từ 40 đến 50 triệu USD/km. Nếu đem so sánh với tuyến tàu điện hai ray như Nhổn - ga Hà Nội chi phí tới 70 triệu USD/km do giải phóng mặt bằng, thì rõ ràng tàu điện một ray theo phương án nêu trên rẻ hơn rất nhiều. Quan trọng hơn là thích hợp khả năng tài chính của nước ta.

Cũng theo ông Ngô Doãn Đức, việc thi công xây dựng hệ thống monorail diễn ra nhanh gọn, tiết kiệm đất nên giải phóng mặt bằng khá đơn giản. Trên thực tế, tàu điện chạy trên cao, các toa tàu di chuyển trên hệ thống dầm bê tông đặt trên hàng cột đỡ rải dọc theo các con đường bộ đã có.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, tàu điện một ray mang nhiều đặc tính phù hợp với giao thông đô thị, bởi ít tốn đất, bán kính đổi hướng nhỏ nên bố trí linh hoạt được trên tuyến phố. Tàu có thể chạy luồn lách quanh những toà nhà, vượt lên trên cầu vượt hay hạ ngầm tuỳ theo từng khu vực, dễ thay đổi độ cao, ít ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Tàu chạy bằng nguồn điện một chiều hoặc động cơ Hybrid nên không gây ô nhiễm môi trường. Tàu sử dụng bánh lốp chạy trên dầm bê tông nên không gây tiếng ồn. Tốc độ trung bình đạt 60-90 km mỗi giờ, một toa lớn có thể vận chuyển gần 200 người, thời gian giãn cách mỗi đoàn tàu tối thiểu 90 giây nên năng lực vận chuyển có thể đạt 40.000 lượt người một giờ.

Tàu một ray lại có độ dốc lớn nên có thể dễ dàng thay đổi độ cao, vượt các công trình hiện hữu, đường ray, nhà ga nhỏ gọn, chiếm ít không gian, ít ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, bảo đảm độ an toàn tuyệt đối, không có chuyện tàu bị trật ray. Mặt khác, giá vé của tàu một ray sẽ phù hợp với cán bộ, công chức, sinh viên, học sinh. 

Vẫn còn nhiều lo ngại

Tranh cãi xung quanh vấn đề nên phát triển đường sắt 1 ray hay 2 ray, ý kiến một số nhà khoa học lại cho rằng, nên đưa tàu 2 ray vào giao thông đô thị vì tàu 2 ray có thể chuyên chở số hành khách lớn, tốc độ cao nên phù hợp với quãng đường dài; hoặc nên tập trung xây dựng các tuyến xe buýt nhanh để chuyên chở được nhiều người hơn, giá thành rẻ hơn.

 Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông vận tải Khuất Việt Hùng cho rằng, Hà Nội đã có ý định triển khai xe buýt nhanh trên làn đường riêng ở tuyến Láng - Hoà Lạc, vì thế nếu triển khai thêm tàu điện một ray có thể sẽ gây lãng phí. Mặt khác, xe buýt nhanh hơn do chuyên chở được lượng hành khách lớn hơn, rẻ hơn. Về lâu dài, khi tốc độ đô thị hoá trên tuyến này lớn thì nên xây dựng đường sắt hai ray bởi di chuyển nhanh hơn.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay cũng là một mối lo cho sự vận hành ổn định của tàu điện. Ông Ngô Doãn Đức cũng lo ngại mạng lưới monorail đặt trong tổng thể và liên kết chặt chẽ với mạng lưới giao thông đô thị có thể ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, đặc biệt đối với khu bảo tồn, khu danh lam thắng cảnh của đô thị…. Ngoài ra, còn vấn đề giá thành và nhà đầu tư; người quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng monorail; vấn đề tuyên truyền để cung cấp thông tin cho cộng đồng hiểu biết về monorail cần phải cân nhắc .

Việc phát triển các loại hình giao thông công cộng vào các đô thị Việt nam hiện nay là rất cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng, triển khai cần phải nghiên cứu sâu hơn về giải pháp công nghệ, xây dựng, cũng như đặt tàu điện một ray vào tổng thể quy hoạch giao thông thì mới phát huy được hiệu quả trong tương lai khi dân số đô thị tăng nhanh.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tàu một ray- giải pháp cho giao thông đô thị Việt Nam?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO