Tập trung xây dựng đề án điểm, có tính lan tỏa cao

- Thứ Năm, 30/07/2020, 08:21 - Chia sẻ
Từ khi thành lập (năm 2009) đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) đã hỗ trợ hàng trăm cơ sở công nghiệp nông thôn, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khuyến công của khu vực miền Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, đề án có tính lan tỏa cao và nỗ lực hoàn thành 100% đề án được giao.

Các đề án đều bảo đảm tiến độ

Năm 2019, IPC1 được giao thực hiện 6 loại hình đề án với tổng kinh phí 21,8 tỷ đồng, trong đó có 3 đề án điểm gồm hỗ trợ phát triển ngành dệt may, ngành cơ khí, ngành chế biến nông sản.

Cùng với việc tổ chức hội thảo để chỉ ra thực trạng, cơ hội, thách thức, đề xuất giải pháp phát triển các ngành, IPC1 đã phối hợp với doanh nghiệp giới thiệu các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất quần áo thể thao xuất khẩu và sản xuất bao bì kim loại phục vụ ngành hóa chất tại Nam Định; sản xuất các sản phẩm từ chế biến nông sản tại Yên Bái. Trung tâm cũng hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến thuộc 3 ngành cho 18 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.

Bên cạnh đó, IPC1 đã thực hiện đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất tại 14 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng, chế biến lâm sản và thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng không nung với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng. Đối với đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ nước ngoài, Trung tâm tiến hành tổ chức chiêu thương, thẩm định, xét chọn và ký hợp đồng với 13 cơ sở đủ điều kiện tham gia hội chợ tại Đức vào cuối tháng 6.2019. Thông qua đề án này đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn tăng cường quảng bá hình ảnh, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.  

Cũng trong năm 2019, IPC1 tổ chức thành công Triển lãm hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn với sự kiện “Lễ tôn vinh và trao giấy Chứng nhận cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019”. Tại chuỗi các sự kiện này, nhiều hợp đồng liên kết liên doanh và tiêu thụ sản phẩm đã được ký kết. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

Năm 2020, IPC1 được Bộ Công thương giao thực hiện 13 đề án với tổng kinh phí 24,75 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện các đề án điểm và đề án nhóm đối với nhóm ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng; bao gồm hỗ trợ 4 cơ sở xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, 4 cơ sở ứng dụng dây chuyền sản xuất đồng bộ và 31 cơ sở ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến. Bên cạnh đó, IPC1 cũng đang thực hiện các đề án như: Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn năm 2020; tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện các đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020… Hiện, các đề án này đều thực hiện đúng tiến độ.

Mặt khác, IPC1 đang phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai trợ giúp 5 cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực trong công tác tài chính kế toán và quản lý sản xuất; chốt địa điểm và thời gian tổ chức Triển lãm hội chợ hàng công nghiệp nông thôn năm 2020; hoàn thiện khâu thiết kế và lập dự toán chi tiết cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia để trình Cục Công thương địa phương…

Công ty May Bảo Linh (Nam Định) ngày càng phát triển, một phần nhờ hỗ trợ của IPC 1  

Ảnh: Minh Hương

Năm 2021 sẽ hỗ trợ 70 cơ sở 

Giám đốc IPC1 Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ nay đến cuối năm, đối với các đề án điểm, Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ đầu tư của các đơn vị thụ hưởng để hỗ trợ, bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao với kinh phí 11,9 tỷ đồng. Đối với các đề án còn lại, Trung tâm bảo đảm hoàn thành kế hoạch được giao với tổng kinh phí 12 tỷ đồng, trong đó 2,4 tỷ đồng dành cho đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng.

Trong năm 2021, IPC1 đặt mục tiêu khảo sát, xây dựng kế hoạch, đề án khuyến công bảo đảm theo quy định, có chất lượng. Hỗ trợ khoảng 50 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; khoảng 20 cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm tiêu biểu đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, thuê tư vấn trợ giúp nâng cao năng lực sản xuất, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Đồng thời, tập trung xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm, các đề án có tính lan tỏa cao; phấn đấu hoàn thành 100% các đề án được giao.

Để đạt được các mục tiêu trên, Giám đốc Nguyễn Toàn Thắng cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm tiêu biểu các cấp; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các đề án điểm hỗ trợ phát triển ngành dệt may, cơ khí, chế biến nông sản; xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm đối với một số ngành nghề khác phù hợp với quy hoạch phát triển của các tỉnh, thành phố phía Bắc như chế biến lâm sản, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng… Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói.

Song song với đó, IPC1 tiếp tục tổ chức triển lãm hội chợ trong nước; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ triển lãm tại nước ngoài; tiếp tục thực hiện các đề án nâng cao năng lực của Trung tâm, trang web… Dự kiến, IPC1 sẽ thực hiện 11 đề án với tổng kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ khoảng 29,3 tỷ đồng, tăng 18,6% so với kế hoạch năm 2020.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 (IPC1) hoạt động tại 28 tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).

Nhiệm vụ của Trung tâm là: Xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công quốc gia có ý nghĩa khu vực miền Bắc phù hợp chiến lược phát triển công nghiệp vùng, ngành; tham gia xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản liên quan đến hoạt động khuyến công trong khu vực; trực tiếp đào tạo hoặc liên kết đào tạo các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề khác có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong phạm vi được quy định.

Bên cạnh đó, Trung tâm được phép tham gia kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động khuyến công trong khu vực miền Bắc; thực hiện các hoạt động tư vấn khuyến công (lập dự án đầu tư công trình, xử lý ô nhiễm môi trường, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng); tư vấn các lĩnh vực marketing, quản lý tài chính - kế toán, quản trị sản xuất, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, tuyển dụng và đào tạo lao động, huy động vốn, xin ưu đãi; tổ chức các hoạt động tư vấn khuyến công tại trung tâm và các địa phương trong vùng; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công…

 

Đan Thanh