Tập trung vào cây dược liệu và đại gia súc

Tự Cường 30/11/2016 15:49

Theo các chuyên gia, giai đoạn tới, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN) vào sản phẩm cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc- lĩnh vực có thế mạnh của trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, không nên để từng tỉnh làm riêng lẻ mà cần triển khai liên kết trên quy mô vùng với mỗi sản phẩm cụ thể.

Chú trọng các sản phẩm thế mạnh

Thời gian qua, kết quả hoạt động KHCN đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tái cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất. Đặc biệt, trong nông - lâm nghiệp, KHCN đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương thông qua việc ứng dụng các tiến bộ về giống, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý, phát triển nhãn hiệu tập thể… Nhờ có KHCN, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm cam Cao Phong Hòa Bình, vải thiều Bắc Giang, cây Ba Kích Quảng Ninh nâng cao giá trị vài ba lần. Sản phẩm mật ong Bạc Hà của Hà Giang, sau khi công bố chỉ dẫn địa lý, giá tăng lên gấp 3 lần, lượng bán không đủ đáp ứng yêu cầu. Nhiều sản phẩm đặc sản trong vùng đã trở thành thương hiệu có tiếng như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế (Bắc Giang), chè sạch (Thái Nguyên), quýt Quang Thuận (Bắc Kạn), lúa gạo Séng Cù (Lào Cai), lúa gạo tẻ râu (Lai Châu), bò vang Hà Giang (Hà Giang), na dai, quýt Bắc Sơn (Lạng Sơn)...

Mô hình trồng nấm linh chi của Trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: T. Cường)
Mô hình trồng nấm linh chi của Trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: T. Cường)

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ KHCN Lê Tất Khương, thời gian tới, KHCN cần tập trung tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên của các địa phương để phát triển vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc. Trong đó, cây dược liệu được tập trung phát triển tại 4 vườn quốc gia, gồm: Ba Bể (Bắc Kạn, 7.610ha), Tam Đảo (Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tuyên Quang, 36.883ha), Xuân Sơn (Phú Thọ, 15.048ha), Hoàng Liên (Lai Châu, Lào Cai, 38.724ha). Ngoài ra còn có 24 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích 363.077ha. Đây là vùng có sự đa dạng sinh học rất cao, nguồn cây thuốc phong phú, nhiều loài dược liệu quý như: Bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tam thất... với diện tích trồng 2.550ha.

Cùng với đó, cần nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển sản phẩm rau, hoa xứ lạnh ở các địa phương có lợi thế khí hậu và đất đai như Sa Pa, vùng Phia Đén (Cao Bằng), Mộc Châu (Sơn La), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Sìn Hồ (Lai Châu). Đồng thời, nghiên cứu phát triển nuôi cá nước lạnh như cá tầm, cá anh vũ, cá chiên... ở lưu vực các sông, hồ thủy lợi và thủy điện có điều kiện phù hợp như hồ Thác Bà, hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, vùng hồ và sông của Na Hang, đặc biệt là nuôi cá tầm ở các hồ thủy điện trên sông Đà. Một lợi thế khác là ứng dụng công nghệ và áp dụng kỹ thuật phù hợp để phát triển đàn gia súc có tiềm năng chăn nuôi thành sản phẩm hàng hóa như trâu vùng Tuyên Quang, Yên Bái.

Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho rằng, để KHCN có thể góp phần phát triển các sản phẩm đặc thù, việc đầu tiên là bảo tồn nguồn gen. Bởi hiện nay, nguồn cây thuốc ở vùng trung du và miền núi phía Bắc đang bị suy giảm nhiều. Hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đều bị khai thác, thu mua, bán qua biên giới, dẫn tới nguy cơ biến mất các giống cây dược liệu quý. Bộ KHCN đã có chương trình bảo tồn nguồn gen, trong đó có một số cây dược liệu quý của vùng Tây Bắc. Các địa phương cần xác định một vài cây con thế mạnh và có dự án để phát triển các sản phẩm thế mạnh này. Với các dự án đó, sẽ có các đơn vị nghiên cứu tập trung bảo tồn giống, phát triển giống, xây dựng quy trình trồng, nuôi, quy trình chế biến, bảo quản rồi phát triển thị trường cho sản phẩm đó.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp và liên kết vùng

 Tôi rất mong muốn, bên cạnh khoa học về mặt kỹ thuật, cần có được lời giải cho bài toán khoa học về mặt kinh tế, phải tính ra được hiệu quả kinh tế của sản phẩm đó nếu doanh nghiệp tham gia vào dự án đó. Tôi đã chứng kiến, nhiều sản phẩm KHCN khi đã tính toán được hiệu quả kinh tế thì rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư cho dự án đó. - Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng

Giám đốc Sở KHCN Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu cứ mạnh tỉnh nào tỉnh đó triển khai thì tính liên kết sẽ không bền vững. Do đó, cần phải có chương trình liên kết vùng riêng cho hai lĩnh vực là cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc. Khi có nhiệm vụ chung, các địa phương sẽ ngồi lại bàn bạc, phân công, phối hợp triển khai, sau một thời gian tổng kết, sẽ bảo đảm lợi thế về quy mô, tính đồng đều của sản phẩm.

Đây cũng là quan điểm được Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng đồng tình. Ông Trần Văn Tùng dẫn chứng, với sản phẩm con bò mông Hà Giang, hiện các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn đã đề nghị Bộ KHCN hỗ trợ phát triển giống đại gia súc này vì đây là giống bò quý, có sự thích nghi đặc biệt với khí hậu của vùng. Bộ KHCN đang phối hợp với các tỉnh để phát triển được đàn bò mông cho các tỉnh trong vùng. Trong đó, dự án phát triển con bò mông của vùng Tây Bắc thì phải giữ và phát triển được giống; giải quyết thức ăn cho con bò trong mùa đông như thế nào, nuôi theo đúng quy trình, giết mổ tập trung, xây dựng nhà máy chế biến, gây dựng thương hiệu sản phẩm, tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, trong quá trình phát triển các sản phẩm thế mạnh ở địa phương, doanh nghiệp là đóng vai trò trung tâm. Bộ KHCN hỗ trợ về xây dựng chính sách, hỗ trợ một số đề tài, dự án, nghiên cứu, xây dựng một vài sản phẩm cụ thể, bảo hộ các chỉ dẫn địa lý; tương tự, lãnh đạo địa phương tạo điều kiện về môi trường, đất đai, thủ tục pháp lý, còn người làm chính phải là doanh nghiệp. Các nhà khoa học và các nhà kinh tế phải cùng ngồi bàn với nhau, đưa ra phương án sản xuất có hiệu quả, khi đó nói với các nhà doanh nghiệp. Khi chưa cho doanh nghiệp thấy được hiệu quả kinh tế của sản phẩm thì không có doanh nghiệp nào chịu đầu tư.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tập trung vào cây dược liệu và đại gia súc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO