Tháo gỡ bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, các đại biểu cơ bản thống nhất với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật đó là tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm xã hội. Những nội dung được quy định nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn; các nội dung đã rõ, đã chín, có sự đồng thuận cao để bảo đảm luật có thể được trình và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
Đối với các quy định cụ thể trong dự án luật như quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, quy định này là cần thiết nhưng phải nghiên cứu kỹ hơn để tương đồng với quy định tại điểm e, điểm g khoản 1 Điều 39 về trốn đóng bảo hiểm xã hội của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024. Vì nếu quy định như dự thảo luật hiện nay chưa thực sự chặt chẽ và dễ dẫn đến việc có thể sẽ ngay lập tức hình sự hóa hàng loạt, điều này là không ổn, nhất là đối với người sử dụng lao động.
Cụ thể, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở quy định rất rõ quy trình đăng ký tham gia để quy định các hành vi liên quan đến các mốc về thời hạn đăng ký, đồng thời, những hành vi liên quan đến thời hạn đóng thì phải kèm theo điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định. Bên cạnh đó, trong các trường hợp có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với hành vi chậm đóng, dù dự thảo luật đã sửa đổi bổ sung ở Điều 15 và Điều 17 nhưng điểm a, khoản 9, Điều 2 quy định xác định chậm đóng dẫn chung theo cả Điều 15 và Điều 17 là rất khó hiểu, đề nghị rà soát để dẫn đúng khoản có quy định về thời hạn liên quan đến phương thức đóng tại Điều 15 và thời hạn lập danh sách để cấp thẻ tại Điều 17.
Về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế (Điều 21), đại biểu Trần Thị Hiềnđề nghị rà soát để bảo đảm tính khả thi và hợp lý khi quy định tại điểm a của khoản 1 Điều này. Bởi lẽ, tại Điều 80 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã phân định rất rõ việc khám bệnh, chữa bệnh từ xa là khám bệnh chữa bệnh giữa người hành nghề với bệnh nhân, còn hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa là hỗ trợ giữa các cơ sở y tế với nhau và có trả chi phí theo thỏa thuận giữa 2 cơ sở. Vì vậy, nếu quy định được thanh toán thì tốt hơn cho người bệnh nhưng phải bổ sung nguyên tắc hoặc mức thanh toán để phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm y tế, nhưng cũng giảm bớt phần chi trả cho người bệnh nếu họ thuộc đối tượng đồng chi trả…
Rà soát kỹ lưỡng để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo
Về dự án Luật Dữ liệu, các đại biểu cũng cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, có nhiều văn bản điều chỉnh về hoạt động thu thập, xử lý, khai thác, sử dụng dữ liệu, đặc biệt là các luật. Hơn nữa, hiện nay, Chính phủ cũng đang xây dựng một số luật điều chỉnh về các hoạt động. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để xác định nội dung chưa phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất phương án xử lý để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu rà soát quy định của pháp luật hiện hành và các dự án luật đang xây dựng để bổ sung phạm vi điều chỉnh, bổ sung chính sách, thống nhất xây dựng một dự án luật cho đầy đủ, toàn diện. Trường hợp xây dựng nhiều dự án luật điều chỉnh đối với từng hoạt động thì cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh và các chính sách của các dự án luật này bảo đảm thống nhất, không chồng chéo. Hơn nữa, đây là dự án luật điều chỉnh một vấn đề mới, có nhiều nội dung chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, do đó đề nghị không quy định quá cụ thể mà để giao Chính phủ quy định chi tiết, nghiên cứu quy định theo hướng mở để phù hợp với sự phát triển trong thời gian tới, bảo đảm tính khả thi, hạn chế sửa luật.