Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XIV

Tập trung những vấn đề đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm

- Thứ Sáu, 25/12/2020, 00:29 - Chia sẻ
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Đại biểu hỏi tập trung vào những vấn đề đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường; thiếu giáo cụ dạy học theo chương trình sách lớp 1 mới; tiến độ triển khai thực hiện các công trình cấp bách, chủ yếu để phòng chống lụt bão, công tác ứng phó đối với đại dịch Covid-19 để phát triển ngành du lịch…

Trang bị đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1

Trả lời chất vấn về việc học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 đang phải học chay do giáo viên không được trang bị đồ dùng dạy học theo chương trình sách lớp 1 mới, Giám đốc Sở GD - ĐT Vũ Văn Kiểm cho biết: UBND huyện Gia Viễn đã trang bị thiết bị dạy học cho học sinh lớp 1, các địa phương khác đang đề xuất bố trí kinh phí mua thiết bị dạy học cho các trường. Sở đang triển khai mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu cho 7 trường tiểu học của huyện Nho Quan, Kim Sơn thuộc đối tượng thụ hưởng của Chương trình giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và 8 trường tiểu học thuộc 8 huyện, thành phố với tổng kinh phí 3.576,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở đang trình Sở Tài chính thẩm định kinh phí khoảng 30 tỷ đồng trang bị đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho 100% trường tiểu học toàn tỉnh vào đầu năm 2021. Giám đốc Sở khẳng định, nếu thiếu trang thiết bị sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học.

Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XIV - ảnh Thùy Dương
Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Ninh Bình Khóa XIV
Ảnh:Thùy Dương

Trước thực trạng một số trường học đã quá hạn phải kiểm tra công nhận lại đạt chuẩn quốc gia song chưa được thực hiện, Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết: Toàn tỉnh hiện còn 85 trường đã quá hạn phải kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia nhưng chưa thực hiện, do các trường chưa bảo đảm các điều kiện của trường đạt chuẩn quốc gia theo quy định mới. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Phân công cán bộ phụ trách thường xuyên đôn đốc các Phòng GD - ĐT tham mưu với các cơ quan của huyện tập trung bố trí nguồn lực sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất và chất lượng mọi mặt; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, chú trọng tổ chức các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đặc biệt là việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dừng ngay việc đốt rác thải không bảo đảm vệ sinh môi trường

Trước tình trạng đốt rác thải bên ngoài lò đốt rác khu vực sông Vạc thuộc huyện Yên Khánh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xã Yên Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cho biết: UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Yên Khánh chỉ đạo UBND thị trấn Yên Ninh dừng ngay việc đốt rác thải không bảo đảm vệ sinh môi trường tại khu vực lò đốt rác thị trấn Yên Ninh; đồng thời, xử lý rác thải theo quy định, nâng cấp, cải tạo lò đốt rác và khu vực xử lý rác thải, chỉ được xử lý rác thải theo hình thức đốt khi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép. Giao Sở TN - MT đôn đốc, giám sát UBND huyện Yên Khánh thực hiện các nội dung này. Nếu còn tiếp diễn vi phạm, yêu cầu xử lý theo quy định.

Trả lời chất vấn về tiến độ thủ tục hồ sơ làm quá lâu của 26 công trình cấp bách, chủ yếu để phòng chống lụt bão được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh, Giám đốc Sở KH - ĐT Đinh Việt Dũng giải trình: Hiện nay, có 8/26 dự án được UBND tỉnh quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, quyết định phê duyệt dự án và đang hoàn tất các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công; 2 dự án đang trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật; 5/26 dự án đang trình sở chuyên ngành xem xét, trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật; 11 dự án đang trình sở chuyên ngành thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Phương án bố trí vốn cho các dự án được thực hiện tập trung, dứt điểm. Theo quy định, khi phê duyệt đầu tư phải thực hiện nhiều khâu, mỗi khâu phải thực hiện theo đúng quy trình, trình tự, thời gian nhất định và ít nhất phải thực hiện 6 khâu, với khoảng thời gian 4 tháng, nếu dự án có thiết kế 2 hoặc 3 bước phải mất thời gian lâu hơn. Hiện nay, các đơn vị đang tập trung triển khai hoàn tất thủ tục đầu tư để bảo đảm giải ngân 100% kế hoạch vốn đã cấp đến ngày 5.12.2020 theo quy định.

Đối với công tác ứng phó của ngành du lịch, đặc biệt là các giải pháp trước mắt và lâu dài để phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thành Đông cho biết: Với quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, vừa an toàn phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong bối cảnh dừng đón khách quốc tế, ngành đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm: Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; triển khai đa dạng hóa, phát triển sản phẩm du lịch mới, tập trung vào một số sản phẩm có giá trị, sản phẩm du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng tại các điểm đến bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng, duy trì ổn định nguồn lực du lịch.

Trần Thị Thùy Dương, Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng HĐND tỉnh Ninh Bình