Tập trung nguồn lực chống dịch

- Thứ Hai, 19/07/2021, 07:05 - Chia sẻ
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không biết khi nào mới khống chế, kiểm soát hoàn toàn. Chính vì lẽ đó, rất cần tiết kiệm, bố trí nguồn lực hợp lý đến ứng phó vừa nhằm thực hiện "mục tiêu kép" là chống dịch và vẫn bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng.

Để tiết kiệm, tập trung nguồn lực thì không chỉ cắt giảm kinh phí mà phải mạnh dạn cắt giảm, loại bỏ những công việc chưa cần thiết, cấp bách, nhất là những hoạt động mang tính hình thức, tuyên truyền như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các cuộc thi hay các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...; các cơ quan chức năng cần rà soát cắt giảm, bãi bỏ những thủ tục, giấy tờ không cần thiết để góp phần chống dịch. Đặc biệt, nghiên cứu thực hiện tạm thời ngưng, đình chỉ áp dụng một số quy định, thủ tục hành chính có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc quyền nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của công dân. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình hoặc thẩm quyền chung nên ban hành các văn bản tự động kéo dài các loại giấy tờ nhân thân, thủ tục hành chính theo quy định đến hạn phải đổi, phải gia hạn hoặc cấp mới... Bởi, khi dịch xảy ra nhiều loại giấy tờ, thủ tục không thể bổ sung được do cơ quan chức năng không tổ chức được các khóa học, đào tạo bồi dưỡng như chứng chỉ nghề, bằng cấp, chứng chỉ liên quan... nên nhiều người không thể có các loại giấy tờ này để bổ sung theo yêu cầu.

Đơn cử, Điểm a, Khoản 2, Điều 72 Luật Hộ tịch 2014 quy định công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã phải có các tiêu chuẩn sau đây: “Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch”. Tuy vậy, từ khi dịch xảy ra việc mở khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch không thể thực hiện được dẫn đến nhiều xã, phường, thị trấn không thể bố trí được công chức hộ tịch đủ tiêu chuẩn gây rất nhiều khó khăn trong việc phục vụ yêu cầu của công dân. Hay, Luật công chứng năm 2014 bắt buộc mỗi văn phòng công chứng phải có 2 công chứng viên hợp danh trở lên và hàng năm Bộ Tư pháp phải tổ chức ít nhất 2 đợt kiểm tra tập sự hành nghề công chứng để tạo nguồn công chứng viên. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên 2 năm qua Bộ Tư pháp chỉ tổ chức được 1 đợt ở khu  vực phía Nam, còn các  tỉnh Bắc đang tạm dừng, nên nhiều văn phòng công chứng khuyết công chứng viên hợp danh nhưng không tìm ra công chứng viên để bổ sung dẫn đến nhiều văn phòng công chứng phải giải thể, ngừng hoạt động.

Có thể nói, việc gia hạn các giấy tờ thủ tục trong thời điểm dịch bệnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, rất thiết thực. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình bảo đảm đúng quy định pháp luật. Đồng thời, góp phần quan trọng nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định trật tự xã hội...

Phạm Chung