Giảm thiểu được thiệt hại về các mặt
Ngày 8.9, qua kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số quận, huyện trên địa bàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh: Dự báo diễn biến phức tạp của bão số 3, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp chỉ đạo, UBND thành phố chủ động triển khai các biện pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ rất chủ động; phân công rõ người, rõ việc; đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, các quận, huyện, thị ủy, các cấp ủy Đảng đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kịp thời thực hiện tốt các biện pháp cấp bách. Đặc biệt, UBND thành phố đã thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định; rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu...
"Nhờ chủ động, tích cực và chung sức, đồng lòng của cả thành phố, dù bão số 3 quét qua với cường độ gió mạnh nhất trong khoảng 30 năm qua, nhưng Hà Nội đã giảm thiểu được thiệt hại về các mặt", Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đánh giá.
Thời gian tới, Bí thư Thành ủy yêu cầu Bí thư các quận ủy, huyện ủy, thị ủy tiếp tục chủ động bám sát tình hình ở cơ sở; chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các phương án phòng, chống bão, lũ; không chủ quan ngay cả khi bão đã đi qua; tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ những địa bàn, hộ dân bị thiệt hại nặng, nhất là các gia đình, cơ sở bị đổ sập nhà ở, công trình xây dựng; duy trì lực lượng và phương tiện sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập...
"Các địa phương phải đặc biệt chú ý về an toàn điện, khi chưa chắc an toàn, còn nguy cơ rò rỉ, phải kiên quyết không đóng điện, đồng thời với đề phòng đuối nước; tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình khắc phục hậu quả do bão gây ra. Riêng đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian”, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Ngoài ra, cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở cần quan tâm chăm sóc, kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại do bão; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm khi cần thiết, không để ai bị đói, bị rét, thiếu thốn thuốc men, chữa bệnh...
Giữ, trồng lại những cây xanh trăm tuổi bị gãy, đổ
Đánh giá về thiệt hại của cơn bão, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, toàn địa bàn thành phố có khoảng 17.000 cây xanh gẫy đổ, gây ách tắc giao thông khá nghiêm trọng; một số quận, huyện bị mất điện cục bộ ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát nước của các trạm bơm, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Về nông nghiệp, Hà Nội bị thiệt hại không nghiêm trọng, số lượng gia súc, gia cầm ảnh hưởng không lớn. Riêng diện tích hoa màu bị ngập hơn 100 hecta do thành phố đã chủ động hạ mức nước từ ngày 6.9. Ngoài ra, Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị có giải pháp củng cố đàn gia súc; bảo đảm rau, củ, quả cho dịp Tết sắp tới...
Qua kiểm tra thực tế công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại quận Hoàn Kiếm và một số địa phương, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện với ưu tiên số một là nhanh chóng khôi phục giao thông. “Ngay trong ngày 8.9 phải khôi phục hệ thống giao thông để ngày 9.9 người dân đi làm, sinh hoạt bình thường”, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu.
Ngoài ra, ngành điện cũng đã cố gắng, cam kết ngay trong ngày 8.9 sẽ khắc phục toàn bộ sự cố. Đối với một số huyện ở phía Tây thành phố bị gián đoạn viễn thông đến nay đã khắc phục xong. Riêng với những cây xanh gẫy đổ, Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý, có những cây xanh hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ, trồng lại. Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân; khẩn trương khôi phục mạng lưới điện trung thế phục vụ bơm tiêu, thoát nước...
Đáng chú ý, để bảo đảm an toàn cho học sinh, ngay trong ngày 8.9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương có văn bản hỏa tốc gửi phòng giáo dục và đào tạo, các trường học trực thuộc... yêu cầu các trường bảo đảm đủ điều kiện học tập an toàn thì triển khai đón học sinh trở lại trường học tập từ ngày 9.9 theo khung kế hoạch thời gian năm học 2024 - 2025. "Đối với các trường chưa bảo đảm đủ điều kiện học tập an toàn do ảnh hưởng của bão, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, trước mắt, chưa tổ chức dạy học cho học sinh; đồng thời có phương án báo cáo cấp có thẩm quyền khắc phục ngay thiệt hại", ông Trần Thế Cương yêu cầu.