Chuẩn bị Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Tập trung hoàn thành công tác nhân sự trước

- Thứ Hai, 14/06/2021, 17:20 - Chia sẻ
Chiều 14.6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Nhất

Báo cáo một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Nhất, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẽ bổ sung dự kiến chương trình nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định; đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 cùng các kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; đề nghị bổ sung nội dung phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để kịp thời kiện toàn nhân sự Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Dự kiến Chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng bố trí xen kẽ giữa công tác nhân sự và các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian. Dự kiến tổng thời gian Kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự: 5 ngày; xem xét các báo cáo và một số nội dung khác 4,5 ngày; trù bị 0,5 ngày; khai mạc, bế mạc 1 ngày; dự phòng 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều ngày 19.7; khai mạc vào ngày 20.7 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3.8. Với đặc thù về nội dung kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Văn phòng Quốc hội chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.

Về các điều kiện bảo đảm, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động, phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị, phục vụ về thông tin, tài liệu, tuyên truyền, báo chí, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... nhằm phục vụ tốt nhất cho Kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV vào ngày 20.7 tới. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, tại Kỳ họp thứ Nhất, bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định rất nhiều nội dung quan trọng khác như: kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch sử dụng đất 5 năm tới... Vì vậy, cần tính hết các công việc phải làm tại Kỳ họp để các đại biểu Quốc hội có đủ thời gian xem xét, quyết định các vấn đề, bảo đảm chất lượng Kỳ họp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị công tác nhân sự phải làm trước, các nội dung khác làm sau và nhất trí họp tập trung tại Nhà Quốc hội. 

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, nhất là với Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án tối cao, Viện kiểm sát tối cao và cơ quan hữu quan khác để chuẩn bị thật kỹ các nội dung về kinh tế xã hội, kế hoạch tài chính, đầu tư công... Các Tờ trình, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của cơ quan của Quốc hội đều phải bảo đảm chất lượng cao hơn. Cùng với đó, cần đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng công tác thư ký Kỳ họp, nhất là công tác tổng hợp các ý kiến thảo luận tổ, xác định các nội dung trọng tâm cần thảo luận tại phiên họp toàn thể... 

N. Thành