Tăng thêm nguồn lực cho các cơ sở
Sở Công Thương Tuyên Quang cho biết, giai đoạn 2016 - 2022, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 2 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (năm 2016 và năm 2022). Kết quả, có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; trong các nhóm ngành sản phẩm thủ công mỹ nghệ; sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản; sản phẩm về thiết bị, máy móc, dụng cụ...
Năm 2016 có 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc; năm 2024 lựa chọn 7 sản phẩm đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực. Các sản phẩm được công nhận đã từng bước khẳng định được chất lượng, mẫu mã, thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo động lực cho cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng công nghệ mới, thay đổi quy trình sản xuất tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng cao.
Từ hiệu quả của công tác bình chọn, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chú trọng đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm. Giai đoạn 2016 - 2023 đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 10 đơn vị có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng.
Để tiếp nối quá trình hỗ trợ ứng dụng thiết bị trong sản xuất, đưa sản phẩm ra thị trường, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công đã tạo điều kiện kết nối cho các đơn vị tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, tham gia các hội chợ triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu. Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2022 là giai đoạn các cơ sở công nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Trung tâm vẫn duy trì các nội dung hoạt động khuyến công để đồng hành với các cơ sở vượt qua khó khăn.
Các đề án khuyến công đã góp phần tăng thêm nguồn lực để các cơ sở đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường. Tuy vậy, nhìn chung, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh còn hạn chế trong tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể sản xuất, kinh doanh chưa chuyên nghiệp... Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức.
Nghiên cứu xây dựng điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP tại các tỉnh
Một trong những mục tiêu của chính sách khuyến công là thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Vì vậy, thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo Trung tâm tham mưu, thực hiện tốt các giải pháp để phát triển công tác khuyến công, đặc biệt là hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Theo đó, ưu tiên hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các đề án, dự án có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm các tỉnh, thành phố tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Tuyên Quang. Tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến Tuyên Quang nghiên cứu, khảo sát kết nối tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Đẩy mạnh hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển thị trường nông sản…
Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang tại các tỉnh, thành phố tập trung đông dân cư, khu công nghiệp như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh... Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa với các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích.
Để hoạt động khuyến công, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hỗ trợ, Sở Công Thương và Trung tâm Khuyến công sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tốt công tác bình chọn sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh và tham gia bình chọn cấp khu vực, cấp Quốc gia đạt kết quả cao. Tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách, đề xuất hỗ trợ kinh phí khuyến công cho các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm tiêu biểu để phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hướng đến phát triển bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.