Tập trung giám sát lĩnh vực tư pháp

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:22 - Chia sẻ

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Tôi đánh giá rất cao về hoạt động của Quốc hội Khóa XIV, một nhiệm kỳ với những dấu ấn rất đặc biệt. Đóng góp của Quốc hội ngày càng sâu sắc. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng cụ thể hơn đối với đời sống kinh tế - xã hội, chính trị của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số vấn đề chúng ta cần phân tích, đánh giá sâu sắc hơn, không chỉ nói những gì đã qua mà quan trọng là nhìn về nhiệm kỳ Khóa XIV để Quốc hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, cách thức tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.  

Dự thảo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội đã đánh giá trên 5 mặt công tác và rút ra 6 bài học kinh nghiệm, vừa khái quát, đầy đủ vừa rất sâu sắc. Tôi hoàn toàn đồng ý. Cá nhân tôi thấy rằng, còn có một nội dung Quốc hội vừa qua đã làm rất tốt, đó là sự gần gũi, chia sẻ với người dân thông qua các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ lúc khó khăn, hoạn nạn. Tôi nhớ khởi đầu nhiệm kỳ, xảy ra vấn đề Formosa ở các tỉnh miền Trung, bão lũ, sạt lún cả 3 miền đất nước, gần đây thì bão lũ miền Trung, đại dịch Covid-19... Những hình ảnh lãnh đạo Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đến với đồng bào, chiến sĩ ở mọi miền đất nước rất đáng quý. Chúng ta làm rất nhiều việc, như Quảng Trị một tỉnh nhỏ, khó khăn nhưng nhiệm kỳ này riêng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã vận động và thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào, chiến sĩ vùng sâu, vùng xa, lúc khó khăn, hoạn nạn... với trị giá trên 30 tỷ đồng. Nếu nhân lên 63 tỉnh, thành tôi tin nhiều tỉnh còn làm nhiều hơn thế nữa thì chúng ta sẽ có hàng nghìn tỷ đồng đóng góp từ sự vận động, chia sẻ của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Điều quan trọng hơn, những việc làm này thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự gắn bó của Quốc hội với người dân. Chúng ta cần ghi nhận để tới đây, trong khả năng, điều kiện cho phép thì hoạt động của Quốc hội, của các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội nên đẩy mạnh, tăng cường thêm các hoạt động này. Chúng ta gắn bó với dân, chia sẻ với nhân dân, làm sáng đẹp thêm hình ảnh của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội trước nhân dân, tạo niềm tin yêu, quý mến của nhân dân đối với đại biểu Quốc hội.

Nguồn: ITN

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội Khóa XIV đã thực hiện chức năng giám sát rất tích cực, riêng giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có tới 7 chuyên đề, đều tập trung vào những vấn đề nóng bỏng của thực tiễn, được xã hội đang quan tâm, nhân dân mong đợi. Để hoạt động giám sát ngày càng hiệu quả hơn nữa, tôi đề nghị 2 nội dung.

Một là, về nội dung giám sát, nhiệm kỳ tới, Quốc hội cần tập trung giám sát về lĩnh vực tư pháp. Nhiệm kỳ này, trong lĩnh vực tư pháp, Quốc hội làm được rất nhiều việc, nhưng cần tăng cường mức độ và chiều sâu trong giám sát lĩnh vực này để kiểm soát quyền lực ở các cơ quan tư pháp hiệu quả hơn, từ công tác điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Các cơ quan, các Ủy ban ở Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương cần tham gia giám sát và phải trang bị cho đại biểu Quốc hội các kiến thức, kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực này. Tư pháp là lĩnh vực rất khó, cho nên nhiều khi các đại biểu, Đoàn đại biểu muốn giám sát việc xét xử các vụ án là vô cùng khó. Nếu không đủ kiến thức, không có kinh nghiệm và không được hướng dẫn cách thức thì rất khó. Ngay Đoàn đại biểu Quốc hội tham gia các phiên tòa để thực hiện quyền giám sát của mình thì tư cách pháp lý như thế nào cũng là vấn đề cần xác định rõ.

Hai là, về phương pháp tổ chức các đoàn giám sát. Tôi rất chia sẻ với các đồng chí ở Trung ương về địa phương giám sát vì thời gian ngắn, chủ yếu nghe báo cáo, đi làm việc với một số cơ sở thì chúng ta cũng chưa thể nghe hết được những ý kiến ngược chiều. Giám sát phải mang tính phản biện, phải bắt đầu từ những thông tin ngược chiều, phản biện về các chính sách với những kết quả đang thực hiện ở cơ sở thì mới có giá trị. Vì thế, trong nhiệm kỳ tới, tôi mong rằng Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức giám sát để chúng ta lắng nghe được nhiều hơn nữa những góc khuất, chiều sâu của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra, những vấn đề cốt lõi trong hệ thống chính sách ban hành để từ đó xác định đúng, trúng những quy định cần sửa đổi, bổ sung. Như vậy thì hậu giám sát, hiệu lực, hiệu quả, sự chuyển biến trong thực tiễn chắc chắn cũng sẽ tốt hơn nữa.

N. Bình ghi