Đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025:

Tập trung giải quyết các nhu cầu thiết yếu

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 05:15 - Chia sẻ
Báo cáo Đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cho thấy, cơ quan chủ trì xây dựng đã chú trọng bảo đảm các chính sách dân tộc, trong đó có nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số hưởng lợi, áp dụng cơ chế bảo đảm sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong thực hiện Chương trình. Tuy nhiên, tại phiên họp thẩm tra vừa qua, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị, cần tập trung giải quyết các nhu cầu thiết yếu đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vấn đề đất ở, đất sản xuất, nước sạch.
Toàn cảnh Hội nghị
Ảnh: Hoàng Ngọc

Tính toán tác động của tình hình trong nước và quốc tế 

Theo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình - PV), Chương trình có 4 dự án thành phần là: Giảm nghèo; Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội; Giám sát, đánh giá chương trình. Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc Lê Ngọc Thắng chỉ rõ, các nội dung giảm nghèo trước mắt và lâu dài đã chú trọng vào nguồn nhân lực, việc làm, cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, các nhóm đối tượng nghèo cụ thể, công tác giáo dục đào tạo nghề, đi lao động nước ngoài, cai nghiện ma túy… Đây cũng là vấn đề chúng ta đã có kinh nghiệm thực tiễn triển khai trong nhiều năm qua. 

Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc cũng đánh giá cao nét mới trong thiết kế Chương trình khi đã đưa dự án thứ 4 mang tính quản lý thành dự án thành phần của chương trình. Dự án thứ 4 quy định: Xác định các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo hàng năm nhằm bảo đảm tính kịp thời, đúng đối tượng, công bằng, công khai, minh bạch. Xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá cơ sở dữ liệu đồng bộ và ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình; bảo đảm các cơ quan, tổ chức chủ trì và tham gia thực hiện các nội dung của chương trình đầy đủ yêu cầu giám sát và đánh giá từ Trung ương đến cơ sở. "Công đoạn này có ý nghĩa nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung, mục tiêu chương trình đề ra”, ông Thắng nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc cũng lưu ý, cần tính toán tác động của tình hình trong nước và quốc tế đối với Chương trình. Trong đó, có những vấn đề tác động trước mắt có khả năng kéo dài như đại dịch Covid-19, tác động của môi trường, biến đổi khí hậu, sơ đồ hình sin của các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội toàn cầu sẽ tác động đến mục tiêu giảm nghèo của Chương trình đối với các nhóm địa bàn, đối tượng. Trong đó cần quan tâm đến đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo ông, nếu không có cái nhìn tổng quát sẽ hạn chế tính bền vững và hiệu quả của Chương trình.

Xây dựng tiêu chí hướng dẫn địa phương 

Thường trực Hội đồng Dân tộc đánh giá cao dự thảo Chương trình khi giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đã chú trọng bảo đảm chính sách dân tộc. Cụ thể, dự thảo bảo đảm nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số hưởng lợi; áp dụng cơ chế bảo đảm sự tham gia của người dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình, như quy định đối tượng là người dân tộc thiểu số tham gia trong công tác lập kế hoạch cấp xã và dưới xã (thôn, bản), tạo điều kiện, khuyến khích sự tham gia và đưa ra quyết định của đối tượng, hướng dẫn nâng cao năng lực cho người dân tộc thiểu số trong công tác lập kế hoạch… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry đặc biệt nhấn mạnh “những vấn đề có giá trị thiết yếu đối với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đó là đất ở, đất sản xuất, nước sạch cần được ưu tiên thực hiện”.

Tiếp thu các ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các chuyên gia nêu tại phiên họp, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Tô Đức nêu rõ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xác định mục tiêu đến năm 2025 thực hiện xóa nhà tạm, nhà đơn sơ cho các hộ nghèo. Hiện Bộ cũng đang lấy ý kiến các bộ, ngành khác về quyết định chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nêu rõ giảm nghèo phụ thuộc nhiều vào kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới, trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, rà soát các nội dung của 2 chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tránh trùng lặp. Từ thực tiễn giám sát của Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu tình trạng các hộ nghèo do tách hộ nên không có đất, không có nhà ở, do vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần quan tâm đề xuất giải quyết bài bản bằng chính sách. Nếu không xử lý được vấn đề này sẽ rất khó bảo đảm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà đơn sơ cho các hộ nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 cũng dành ưu tiên hỗ trợ người dân gặp hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, đặc biệt là người có thu nhập dưới mức sống tối thiểu. Chương trình sẽ phủ sóng khắp cả nước, trong đó có đối tượng là cộng đồng cư dân ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vì thế, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc Lê Ngọc Thắng đề nghị, Chương trình cần có nội dung, tiêu chí hướng dẫn các địa phương, các ngành liên quan chú ý cụ thể hóa trong quá trình thực hiện đối với các đối tượng xã hội thuộc diện giảm nghèo và an sinh xã hội ở địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện đa dạng về thực trạng và nhu cầu giảm nghèo, có các đặc thù về an sinh xã hội so với các địa bàn, đối tượng chung của cả nước.

Ý Nhi