Đồng Nai

Tập trung cải thiện chất lượng nguồn nước

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:15 - Chia sẻ
Để bảo vệ chất lượng nguồn nước ở các sông, suối, hồ, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý và xả nước ra nguồn tiếp nhận, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp như đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và chống ngập; di dời khu công nghiệp gần sông và cơ sở chăn nuôi ra khỏi nội ô; khuyến khích nhân rộng mô hình trồng trọt theo tiêu chí sạch và chăn nuôi khép kín theo tiêu chí an toàn sinh học…

Áp lực lớn trong xử lý nước thải

Theo thống kê, Đồng Nai có tổng cộng gần 250 sông, suối và hơn 130 công trình thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và phục vụ các hoạt động khai thác điện năng, giao thông thủy. Theo kết quả quan trắc do Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam thực hiện đối với các sông trên 13 tỉnh, thành phố phía Nam trong tháng 9, nước sông Đồng Nai và sông Thị Vải đã đạt chất lượng tốt. Tại 20 vị trí quan trắc cho kết quả đạt bình quân 77 - 100 điểm, mức độ rất tốt đạt 86%, đủ điều kiện cho khai thác sử dụng để cấp nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kết quả đó khó giữ được khi tỉnh Đồng Nai trở lại điều kiện bình thường mới sau khi siết chặt giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19; chưa kể, với 31 khu công nghiệp đang hoạt động, trong tương lai còn thêm 7 khu công nghiệp đưa vào hoạt động. Đồng Nai đang chịu áp lực khá lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt như khí thải, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, bảo vệ tài nguyên khoáng sản… Trong đó, tình trạng xử lý nước thải cho đô thị tại Đồng Nai đang là vấn đề cấp thiết. Đặc biệt ở TP. Biên Hòa, với dân số đông và ngày càng tăng, hệ thống hạ tầng nhiều nơi không theo kịp tốc độ tăng dân số thì hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt lại đang gần bằng 0.

Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy, tổng lượng nước thải ở các đô thị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là khoảng 289.000m3/ngày đêm, trong đó, tại TP. Biên Hòa là 116.000m3/ngày đêm, TP. Long Khánh là 15.500m3/ngày đêm, còn lại là các đô thị khác. Tuy nhiên, hiện chỉ hơn 1% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định, còn hơn 98% vẫn đang xả trực tiếp ra môi trường.

Cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường lấy mẫu quan trắc nước trên sông Đồng Nai

Nguồn: ITN 

Nhiều giải pháp bảo vệ nguồn nước

Để bảo vệ nguồn nước, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp và chống ngập; khuyến khích nhân rộng mô hình trồng trọt theo tiêu chí sạch và chăn nuôi khép kín theo tiêu chí an toàn sinh học, nhằm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tiết kiệm nước; hoàn thiện mạng lưới quan trắc và phòng ngừa… Các cụm chế biến nông sản cũng được đầu tư, nhằm đẩy mạnh khâu chế biến để gia tăng giá trị và hạn chế ô nhiễm môi trường từ hoạt động sơ chế.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai Đặng Minh Đức, đơn vị cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý và xả nước ra nguồn tiếp nhận. Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép khai thác và áp dụng các công cụ kinh tế để hạn chế tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, nhất là thực hiện thu thuế và thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Thường xuyên theo dõi chất lượng nước ở các sông, suối, hồ, từ đó đưa ra các cảnh báo; tham mưu UBND tỉnh các giải pháp ngăn ngừa và giảm ô nhiễm nguồn nước.

Đồng Nai cũng ưu tiên các dự án khai thác, sử dụng nguồn nước mặt thay vì khai thác nước dưới đất nhằm mục đích sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt, hạn chế suy giảm mực nước và tài nguyên nước dưới đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cũng cho rằng, tỉnh cần đẩy nhanh, hoàn thiện dự án xây dựng hệ thống cống hộp dọc các tuyến đường để thoát nước mưa và dẫn nước thải về trạm xử lý, nhất là tại TP. Long Khánh vốn không có sông, suối nên toàn bộ nước thải sinh hoạt đang dồn về các hồ chứa.

Ngoài việc nhanh chóng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, Đồng Nai cũng cần ra quân xử lý triệt để nạn khai thác cát bừa bãi ở thượng nguồn cũng như triệt để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm ở hạ nguồn. Đồng thời, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung quy hoạch tài nguyên nước có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Mặt khác, thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo đề án lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thực hiện kiểm kê tài nguyên nước và công bố vùng bảo hộ vệ sinh cho các nhà máy cấp nước, trạm cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

Vân Phi