Tập làm ngư dân
Đến Quảng Nam, khách du lịch không chỉ được khám phá các di sản thế giới phố cổ Hội An và khu thánh địa Mỹ Sơn mà còn có dịp trải nghiệm cuộc sống của ngư dân. Đây là loại hình du lịch khá mới, thu hút nhiều khách quốc tế.
Tập làm ngư dân
Trong một buổi chiều se lạnh, gia đình Joan Tubbs (Mỹ) gồm 4 người lên chiếc thuyền du lịch của Hoian ecotour cùng nhóm phóng viên khảo sát du lịch tham gia tour Tập làm ngư dân. Chiếc thuyền đưa khách dọc theo sông Cổ Cò đến Cửa Đại. Sau khi chạy một vòng quan sát, đến làng chài Phước Hải, thuyền dừng lại để du khách sang thuyền của ngư dân, bắt đầu “nhập vai”. Họ được hướng dẫn cách cầm lưới, quăng lưới và kéo lưới để bắt cá. Sau lần đầu lóng ngóng, họ đã trở nên điệu nghệ. Chiếc lưới bung “rào” xuống mặt nước, lúc kéo lên, một chú cá mắc lưới khiến các vị khách phương xa vô cùng thích thú. Những du khách còn lại nhanh tay đưa máy ảnh chụp khoảnh khắc khó quên này.
|
Sau khi tập làm ngư dân, thuyền du lịch đưa du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh. Một nhóm phụ nữ nước da bánh mật, dáng vóc khỏe mạnh hối hả chèo thúng chai lướt qua những hàng dừa xanh ngắt, mát rượi, nở nụ cười tươi tắn, thân thiện chào vị khách nước ngoài. Các chị còn biểu diễn những động tác lắc thúng chai điêu luyện, vừa lắc vừa đàn khiến du khách thích thú. Du khách mặc áo phao rời thuyền lên thúng chai. Chị Hồng, một ngư dân, tay thoăn thoắt lấy những chiếc kính, chiếc nhẫn làm bằng lá dừa ngộ nghĩnh do chính chị làm để tặng khách. Những chiếc thúng chai đưa du khách luồn qua những lạch nhỏ tham quan rừng dừa. Lướt dưới những rặng dừa xanh dịu, được hòa mình với thiên nhiên, nghe những câu chuyện về cuộc kháng chiến của du kích... Ông Joan Toubbs chia sẻ: “Chúng tôi đi nửa vòng trái đất đến đây không chỉ để ngắm cảnh. Tôi đã được tiếp xúc với những người dân bình dị, hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân, ngư dân Hội An. Trải nghiệm làm ngư dân thật thú vị”.
|
Khi ngư dân làm du lịch
Tour du lịch Tập làm ngư dân độc đáo của Hoian ecotour do các ngư dân làng chài Phước Hải sáng tạo và thực hiện. Bản thân Giám đốc Trần Văn Khoa cũng xuất thân từ gia đình mấy đời chuyên nghề chài lưới Phước Hải. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ ở Đà Nẵng, làm hướng dẫn viên, Khoa nhiều lần dẫn khách quen về nhà, chở khách đi ngắm làng chài lúc hoàng hôn, ra Cửa Đại câu cá hay lượn một vòng ngắm đàn cò chấp chới trên rừng dừa Bảy Mẫu. Sau những chuyến đi ấy, ý tưởng mở tour du lịch đã ra đời. Cách đây hơn 6 năm, Khoa mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng, làm tàu đủ tiêu chuẩn du lịch, đi tour lẻ. Đến cuối năm 2005, thì thành lập Cty TNHH Lữ hành Khoa Trần để giao dịch. Hiện lượng khách đặt tour này rất đông nên năm vừa qua anh Khoa lại vay tiếp 500 triệu đồng đóng thuyền du lịch thứ 3. Những năm trước, bình quân, mỗi năm Hoian ecotour đón khoảng 4.000 khách, chủ yếu là khách quốc tế. Ngay từ cuối năm 2010, lượng khách đặt chỗ “học làm ngư dân” đã lên tới trên 8.000 khách và kín lịch cho cả năm 2011. Khoa cho biết: “Lượng khách tăng ổn định, cả gia đình tôi đã chuyển sang làm du lịch, và thu hút cả bà con làng chài cùng tham gia, cải thiện đời sống. Mỗi lần tổ chức đoàn tour như thế này, ngư dân tham gia được trả công 100.000 đồng/người mỗi lần chèo thuyền thúng, hướng dẫn khách đánh bắt cá. Ngoài ra, họ còn được tiền “bo” của khách”.
|
Bố của Khoa, ông Trần Quốc Việt, giờ cũng là thành viên điều khiển một thuyền du lịch. Ông cho biết: để tham gia tour này, khách thường đi vào buổi sáng sớm, du thuyền đón khách đưa thẳng về phía Cửa Đại ngắm bình minh trên biển và cảnh thuyền cập bến với những mẻ cá đầu tiên trong ngày. Du khách sẽ được làm quen với thúng chai trên bãi cát trước, sau đó tập chèo trên sông nước, rồi cập thuyền vào mạn tàu cá của ngư dân đang đánh bắt ven làng chài Cửa Đại, thử sức chài lưới. Nhiều du khách tỏ ra thích thú với màn câu cua trong rừng dừa. Đến bữa cơm trưa, tất cả cá, cua đánh bắt được đem ra chế biến thành những món ăn đặc sắc. Hoian ecotour cũng luôn kết hợp bảo vệ môi trường. Tất cả tour của Eco đều có “10 phút vì môi trường”, cả chủ lẫn lẫn khách tham gia thu lượm rác thải.
Phó vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Nguyễn Thanh Hương nhận xét: trải nghiệm thú vị của tour tập làm ngư dân không chỉ giúp khách du lịch hòa đồng với cộng đồng dân cư bản địa mà còn giúp ngư dân cải thiện cuộc sống. Đây là cách làm du lịch bền vững mà những ý tưởng độc đáo cần được phát huy và bảo vệ bản quyền, để tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn.