Công nghệ

Tập đoàn Điện lực Việt NamChuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ

Cao Linh 12/07/2025 06:53

Xác định chuyển đổi số là chiến lược dài hạn, chỉ trong 5 năm (2020 - 2025), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một tập đoàn hiện đại, vận dụng tối đa ưu điểm của công nghệ số để mang lại lợi ích cho khách hàng, góp phần xây dựng nền kinh tế số của đất nước.

Tiên phong xây dựng nền kinh tế số

Dự kiến đến hết năm 2025, EVN sẽ cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động trong toàn Tập đoàn.

Theo đó, EVN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, như 100% dịch vụ điện đã được EVN cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trung tâm Hành chính công và Cổng dịch vụ công của các tỉnh. Tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 96,27%, tương ứng với số tiền thu đạt 98,56%. Tỷ lệ yêu cầu dịch vụ điện được tiếp nhận qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng, Trung tâm Hành chính công, Dịch vụ công đạt 99,99% và có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi thông qua máy tính/điện thoại thông minh.

b1.jpg
EVN ứng dụng nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật vào hoạt động. Ảnh: C.Linh

EVN cũng đã hoàn thành nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin khách hàng CMIS 4.0; tỷ lệ công tơ điện tử toàn EVN đạt 88,6%. Các hệ thống phần mềm dùng chung đã được Tập đoàn triển khai đồng bộ, toàn diện và phát huy được hiệu quả, bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt các yêu cầu trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, EVN đã đưa vào hoạt động hệ sinh thái số EVNConnect và kết nối đến hạ tầng số của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để khai thác tối đa nguồn dữ liệu chung.

Trong đầu tư - xây dựng, EVN đã ứng dụng các công nghệ khảo sát, thiết kế 3D, BIM; áp dụng chữ ký số trong công tác quản lý dự án: hồ sơ dự án điện tử, nhật ký thi công điện tử... Từ năm 2021 đến nay, 100% các gói thầu được EVN tổ chức đấu thầu qua mạng.

Trong sản xuất, EVN đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp; áp dụng tin học hóa công tác sửa chữa theo phương pháp tin cậy hoặc có điều kiện (RCM/CBM). Toàn Tập đoàn đã hoàn thành xây dựng 63/63 trung tâm điều khiển từ xa, tổng số trạm biến áp 220 - 110kV không người trực đạt 97%...

Những năm vừa qua, EVN đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ về chuyển đổi số như: năm 2024, EVN và các đơn vị có 2 sản phẩm được trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, 4 sản phẩm công nghệ đoạt giải Sao Khuê, 2 sản phẩm/dự án được trao các giải thưởng quốc tế; 4 năm liên tiếp từ 2019 - 2022 đoạt Giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia. Đồng thời, Tập đoàn cùng các đơn vị cũng có nhiều sản phẩm công nghệ được công nhận "Make in Việt Nam" 2022, 2024…

Kết quả chuyển đổi số của EVN được ghi nhận đạt mức 4 (trong tổng số 5 mức độ). Đầu năm 2025, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BCĐCĐS ngày 3/2/2025, phê duyệt và ghi nhận EVN là đơn vị dẫn đầu trong 19 doanh nghiệp nhà nước về chuyển đổi số.

Vai trò của nhân tố tiêu biểu

Kết quả thực tế tại EVN cho thấy, để thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách toàn diện cần có chiến lược bài bản, quyết sách phù hợp và sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp. Bên cạnh đó, còn một yếu tố cũng đóng vai trò quyết định đến sự thành công, chính là tinh thần đồng lòng, quyết tâm và hưởng ứng của đội ngũ người lao động trực tiếp tại từng đơn vị.

Thông qua các phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, nhiều nhân tố tích cực được phát hiện và nhân rộng. Trong đó, chương trình "10 nghìn sáng kiến" do Tập đoàn và Công đoàn Điện lực Việt Nam phát động bắt nguồn từ lời kêu gọi "1 triệu sáng kiến" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chính là một trong những phong trào giúp Tập đoàn "bội thu" thành tích chuyển đổi số với những cá nhân xuất sắc.

Những gương sáng điển hình trong chuyển đổi số tại EVN đã và đang dần được phát triển, bồi dưỡng thông qua các phong trào thi đua được tổ chức bài bản, sâu rộng từ cấp Tập đoàn đến từng đơn vị. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến cũng được triển khai thực hiện kịp thời, tạo động lực thi đua và là nguồn động viên tinh thần để các đoàn viên, người lao động EVN hăng hái, tích cực tham gia các phong trào sáng kiến, sáng tạo trong lao động, chung tay vì sự phát triển của ngành điện lực Việt Nam.

Chuyển đổi số tại EVN trong thời gian tới sẽ được triển khai bám sát theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng với khí thế bước vào phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2025 - 2030 đóng vai trò như "chất xúc tác"; những nhân tố điển hình sẽ tiếp tục được phát hiện, khuyến khích mạnh mẽ để họ phát huy trí tuệ cá nhân và sức mạnh tập thể. Qua đó, tiếp tục đưa EVN giữ vững vị thế là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để đồng hành và "trợ lực" cho sự phát triển của đất nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tập đoàn Điện lực Việt Nam Chuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO