Đào tạo nội bộ
Đầu tháng 11.2023, Tập đoàn đã tổ chức buổi đánh giá 2 chuyên đề đào tạo quản trị doanh nghiệp là “Văn hóa doanh nghiệp” và “Kỹ năng lãnh đạo”.
Chuyên đề “Văn hóa doanh nghiệp” được định hướng xây dựng làm tài liệu đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung của Tập đoàn. Mục tiêu giúp đối tượng đào tạo nắm bắt tổng quan, nhận diện các biểu hiện đặc trưng và ứng dụng văn hóa doanh nghiệp trong việc quản lý, lan tỏa và phát triển các giá trị tốt đẹp của văn hóa Đèo Cả trong hệ thống và cả cộng đồng xã hội.
Chuyên đề “Kỹ năng lãnh đạo” được xây dựng với mục tiêu giúp các lãnh đạo cấp điều hành và cơ sở nắm rõ, có kỹ năng vận dụng và phát huy tốt với nhiệm vụ của từng vị trí lãnh đạo theo hệ thống vận hành và theo đặc thù của từng công việc, từng dự án và từng giai đoạn cụ thể. Các chuyên đề đã nhận được nhiều đánh giá chi tiết từ Hội đồng đánh giá do ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn làm Chủ tịch Hội đồng, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
“Con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn. Nếu không quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực thì một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững. Chỉ có tri thức mới là nền tảng đưa Tập đoàn Đèo Cả vươn tầm quốc tế.”
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả
Đây chỉ là 2 trong số 9 chuyên đề được Chủ tịch Tập đoàn đưa ra và yêu cầu các nhóm thành viên là lãnh đạo chủ chốt thực hiện trên cơ sở đúc kết từ chương trình đào tạo Thạc sĩ Điều hành cao cấp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - khóa đầu tiên cho học viên Tập đoàn Đèo Cả.
Các chuyên đề còn lại gồm có: “Hành vi tổ chức”, “Quản lý dự án đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông”, “Quản trị chiến lược”, “Quản trị vận hành các công trình giao thông đường bộ”, “Quản trị tài chính dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo phương thức đối tác công - tư”, “Quản trị tài chính doanh nghiệp” và “Thị trường chứng khoán”.
Nói về mục tiêu xây dựng 9 chuyên đề đào tạo này, TS. Hồ Chí Dũng - Trợ lý của Chủ tịch Tập đoàn trong công tác đào tạo cho biết: “Các chuyên đề sau khi hoàn thiện sẽ trở thành tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo nội bộ trong hệ thống để các thế hệ cán bộ quản lý đi trước truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, qua đó nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong toàn hệ thống, góp phần vào định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn”.
Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tổ chức các buổi đánh giá các chuyên đề tiếp theo để hoàn thiện toàn bộ các chuyên đề góp phần phục vụ hiệu quả cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
“Đèo Cả rất chủ động, yêu cầu cao trong đào tạo. Khi xây dựng một chương trình đào tạo cho cán bộ của Tập đoàn, bản thân Chủ tịch T cùng Hội đồng Cố vấn thảo luận khá chi tiết các nội dung liên quan với các đơn vị đào tạo để cụ thể hóa các nội dung đào tạo sao cho sát nhất những gì đặt ra đối với sự phát triển của Tập đoàn, đặc biệt là các vấn đề có tính chiến lược, vừa giải quyết được những vấn đề cấp bách trước mắt, vừa có tầm nhìn đối với những vấn đề dài hạn. Các môn học như quản trị chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án… hay ứng dụng mô hình BIM trong quản lý, tổ chức thi công đã được Tập đoàn xây dựng, tổ chức đào tạo, cho áp dụng cụ thể tại các dự án…”
GS. TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Cố vấn Tập đoàn Đèo Cả
Tại Đèo Cả, đào tạo nội bộ không chỉ được tổ chức thực hiện ở cấp cán bộ lãnh đạo, quản lý mà còn ở tất cả các cấp, trong nhiều lĩnh vực tùy theo nhu cầu của tổ chức để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm cho CBCNV. Khi là về nghiệp vụ quản lý máy móc thiết bị, khi là kiến thức về BIM, hay là kỹ năng thuyết trình, kỹ năng ứng xử , kỹ năng sơ cấp cứu…
Với tinh thần không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vào tháng 4, Tập đoàn Đèo Cả đã khánh thành Trung tâm Huấn luyện thực hành Đèo Cả đặt tại Đà Nẵng, là nơi đào tạo nhân sự cho toàn hệ thống. Các chương trình huấn luyện thực hành được thiết kế với nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với từng cấp bậc và vị trí làm việc trong tổ chức. Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ tổ chức các hoạt động đa dạng như các cuộc thi, hội thảo và tọa đàm để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho người lao động, cũng là để góp phần tạo ra sự chủ động để thích ứng với những sự thay đổi.
Cần nói thêm rằng, những cuộc thi nghiệp vụ trong năm 2023 vừa qua cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định bên cạnh công tác đào tạo tập huấn nội bộ, tạo ra sân chơi lành mạnh khích lệ người lao động trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn, thi đua lao động sản xuất. Hội thi quản lý - vận hành các công trình hầm mang tên “Quản lý - vận hành giỏi”, cuộc thi viết “Đèo Cả trong tôi” hay thi nấu ăn “Bếp ấm Đèo Cả”… đã được Tập đoàn phát động hoặc phối hợp với Công đoàn tổ chức. Thông qua những cuộc thi như vậy còn giúp Tập đoàn phát hiện những nhân sự có chuyên môn tốt, tiếp tục bồi dưỡng phát huy cho những công việc sau này.
Hợp tác đào tạo
“Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả là mô hình mới, có tính sáng tạo. Với chức năng tham mưu cho Đảng, mô hình này sẽ được chúng tôi tham khảo đưa vào văn kiện để xây dựng đề án đối với giáo dục, công nghệ. Cách làm đổi mới sáng tạo giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
Dư địa phát triển ngành giao thông Việt Nam còn rất lớn, từ đường bộ đến đường sắt và hàng không. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn kiên định chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực là hạ tầng giao thông với các nhiệm vụ cụ thể ngắn hạn – trung hạn – dài hạn đang trên đà phát triển mạnh cả về quy mô, các sản phẩm công trình giao thông. Yêu cầu đặt ra không chỉ là phát triển mà quan trọng hơn là phát triển bền vững. Do đó, hoạt động đào tạo vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Từ đầu 2023 đến nay, nhiều hợp tác với các đơn vị đào tạo trên cả nước được thiết lập. như Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Trường CĐ Giao thông vận tải đường bộ… cho công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Tôi đánh giá cao cách thức đào tạo nhân sự của Tập đoàn Đèo Cả gắn liền với thực tiễn. Đèo Cả là đơn vị tiên phong khi đào tạo nhân lực bám sát thực tế thực hiện các dự án khó. Chất lượng nhân lực tốt, có khả năng “thực chiến” là nền tảng để thực hiện thành công các dự án.
Bên cạnh đó, phương pháp đào tạo này còn là cơ sở kiểm chứng cho các kiến thức, chuyên đề, đề tài nghiên cứu của các học viên để cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải trong tương lai.”
PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh
Điều đặc biệt, hợp tác đào tạo theo phong cách của Đèo Cả luôn là sự kết hợp giữa kiến thức hàn lâm với thực tiễn công việc, để tri thức mới tiếp cận ngay lập tức được vận dụng giải quyết những công việc cụ thể thực tế tại Tập đoàn.
Tháng 9, Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả do Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh được thành lập, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học và ứng dụng - tư vấn - chuyển giao công nghệ thực hiện các dự án.
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh nhận định Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả để sản phẩm của quá trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và của ngành giao thông.
Trên hành trình vươn mình ra thế giới, người đứng đầu Tập đoàn luôn tâm niệm rằng “Trước tiên, phải làm thật tốt những công việc ở trong nước”.
Thật vậy. Con đường mà Đèo Cả đi gắn liền với những dự án lớn, dự án khó, các dự án mà doanh nghiệp khác không làm được hoặc không dám làm bởi phức tạp về kỹ thuật, pháp lý, huy động vốn, tổ chức quản trị điều hành dự án… Chính khả năng và kinh nghiệm chinh phục mỗi công trình dự án như vậy, quay trở lại giúp Tập đoàn tích luỹ thêm những bài học vô cùng quý giá để đưa vào chương trình đào tạo cán bộ công nhân viên.
Đối với Đèo Cả, dự án khó không chỉ để chinh phục, đó còn là thao trường - nơi rèn giũa, tôi luyện đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân ngày một hoàn thiện năng lực, kinh nghiệm “thực chiến” để làm tốt hơn nữa những dự án sau này, để tri thức của người Đèo Cả là hành trang tạo ra những giá trị khác biệt cho chính doanh nghiệp, tạo ra những giá trị phụng sự xã hội.
“Kế hoạch đào tạo nhân sự Tập đoàn năm 2024 có một số điểm nổi bật:
1. Năm đầu tiên tiến hành chương trình đào tạo Nghiên cứu sinh Tiến sỹ cho đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược Tập đoàn, đánh dấu sự chuyển giai đoạn mới;
2. Bắt đầu tiến hành các chương trình đào tạo bậc Đại học và Cao học về đường sắt - metro để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo;
3. Tiếp tục thực hiện các chương trình ngắn hạn nâng cao năng lực (kiến thức, kỹ năng chuyên môn) cho nhân sự thuộc các khối khác nhau phục vụ nhu cầu công việc;
4. Tiến hành đào tạo văn hoá Tập đoàn Đèo Cả tại tất cả các đơn vị trong hệ thống với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ quản lý từng đơn vị”
Ông Hồ Chí Dũng, Trợ lý Chủ tịch HĐQT về đào tạo