Tập Cận Bình - gương mặt của cải cách và chống tham nhũng
Hội nghị Trung ương lần thứ 5 Khóa XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã thông qua kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015), đồng thời cũng hé lộ thế hệ lãnh đạo kế tiếp với quyết định bầu Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị CPC, làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Đây cũng là sự kiện được chờ đợi nhất tại Hội nghị Trung ương CPC lần này. Tuy từ lâu vẫn được xem là người kế vị Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nhưng đến khi chính thức được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương ngày 18.10, dư luận mới hầu như phán đoán chắc chắn rằng ngôi vị cao nhất trong tương lai sẽ thuộc về gương mặt cải cách và chống tham nhũng Tập Cận Bình.
Năm nay 57 tuổi, ông Tập Cận Bình xuất thân từ gia đình dòng dõi cách mạng, quê gốc Thiểm Tây. Cha ông, cựu Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, chính là người khai sinh các đặc khu kinh tế, tạo tiền đề cho sự cất cánh của “con rồng” Trung Quốc. Sinh năm 1953 tại Thiểm Tây, ông Tập Cận Bình tốt nghiệp kỹ sư hóa tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, sau đó lấy bằng Tiến sĩ về Triết học Mác-Lênin. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, chàng sinh viên họ Tập bị đưa về nông thôn từ năm 1969 đến 1975 và từng có một bài báo mô tả ông trong giai đoạn này là người có khả năng “vác những bao lúa mì hơn 50kg đi nhiều cây số trên đường đồi núi không biết mệt”. Ông có hai đời vợ, người vợ sau là một ca sĩ nổi tiếng và đang giữ cấp tướng trong quân đội. Họ có một con gái đang du học tại Mỹ.
Năm 1971, ông Tập Cận Bình gia nhập CPC. Tên tuổi của ông được người dân Trung Quốc biết đến khi ông được điều về làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải năm 2007, sau khi người tiền nhiệm bị kết án tù vì tội tham nhũng. Trước đó, ông lãnh đạo các tỉnh Chiết Giang, Phúc Kiến, được coi là những vùng năng động, mở cửa về kinh tế, phát triển về xuất khẩu. Chính vì thế, giới quan sát cho rằng ông Tập Cận Bình là người tán thành kinh tế thị trường, không ngần ngại đề cập đến cải tổ kinh tế nhân danh tầng lớp trung lưu và khu vực tư nhân. Tại Đại hội Đảng lần thứ 17 (năm 2007), ông được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị CPC, đồng thời được phân công phụ trách Ban Bí thư, trở thành hạt nhân thế hệ lãnh đạo thứ 5 của CPC. Ông được cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng như rất nhiều nhân vật lão thành ủng hộ, và đã giành số phiếu bầu cao nhất trong nội bộ Đảng. Trong số các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, ông là người duy nhất trải qua con đường binh nghiệp. Cộng với người cha là một “nguyên lão khai quốc”, ông có ưu thế tương đối lớn trong giới quân sự Trung Quốc.
Trong những năm tháng lãnh đạo tại địa phương, ông Tập nổi tiếng là người cứng rắn trong việc trừng phạt các quan chức tham nhũng. Việc ông trở thành Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến năm 2000 một phần cũng vì ông đóng vai trò quan trọng trong việc dẹp bỏ một vụ án tham nhũng lớn tại đây vào cuối những năm 90.
Sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo tương lai của Trung Quốc khá cổ điển, không có điều tiếng. Giới quan sát phương Tây đánh giá ông là một nhà lãnh đạo thực dụng, đơn giản, và thẳng thắn, cởi mở và đặc biệt là người ủng hộ mạnh mẽ cải cách kinh tế. Ông mong muốn giảm bớt những bất bình đẳng trong xã hội Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng nổi tiếng là người chống tham nhũng mạnh mẽ khi ông giữ các cương vị lãnh đạo tại các tỉnh duyên hải miền Đông Trung Quốc. Chính trong thời kỳ này, ông có mối thâm tình với cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson. Ông từng phụ trách hai hồ sơ nhạy cảm, đó là Hongkong và giám sát giai đoạn cuối cùng của Đại hội thể thao Olympic Bắc Kinh.
Giữ chức Phó chủ tịch nước từ tháng 3.2008, ông Tập Cận Bình bắt đầu được chú ý nhiều trong năm nay khi phê bình “thứ ngôn ngữ khô cứng” của các cán bộ Đảng, cổ vũ cho cách nói thẳng thắn hơn. Là một người ôn hòa, ông đã gây ngạc nhiên khi chỉ trích những người “bài Hoa” trong chuyến công du Mexico đầu năm nay.
Tờ Văn hối của Hongkong (Trung Quốc) nhận định quyết định của Hội nghị Trung ương V bổ nhiệm ông Tập Cận Bình vào vị trí quan trọng trong Quân ủy Trung ương - cơ quan tối cao nắm giữ và kiểm soát quân đội Trung Quốc - đã thể hiện tính ổn định và liên tục trong quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Theo truyền thống, lãnh đạo tương lai của Trung Quốc phải là người có kinh nghiệm. Cựu Tổng Bí thư Triệu Tử Dương và đương kim Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng từng giữ cương vị Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.