Tạo xung lực phát triển văn hóa
“Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã truyền đi những thông điệp tích cực, tạo thuận lợi lớn đối với sự phát triển văn hóa. Và thực tế, các cấp, các ngành, lĩnh vực đã làm được khá nhiều việc để lan tỏa tinh thần của Hội nghị này” - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhận định về kết quả một năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021.
Những chuyển động trên thực tiễn
- Từ các cuộc khảo sát, giám sát, làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với các địa phương, ban, bộ, ngành thời gian qua, theo ông, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được triển khai như thế nào, tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tiếp nối ra sao?
- Đầu tiên có thể thấy trong các sự kiện quan trọng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh việc triển khai thực hiện tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Điều đó chứng minh rằng những thông điệp ở Hội nghị rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững đất nước. Từ đó, thúc giục các cấp, ngành, địa phương phải có kế hoạch để triển khai.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, khá nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị văn hóa toàn tỉnh, gần đây nhất có Bắc Ninh, Hà Tĩnh... cho thấy tinh thần của Hội nghị đã được lan tỏa đến các địa phương và được triển khai cụ thể hóa.
Đi kèm với các hội nghị là những kế hoạch cụ thể, đặc biệt là ngân sách dành cho văn hóa. Chẳng hạn, Bắc Ninh đã quyết định dành ngân sách tối thiểu 4% chi cho văn hóa. Đây là một tin tức, tín hiệu đáng mừng cho những người yêu văn hóa. Câu chuyện ngân sách thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực văn hóa, đồng thời cũng là cơ hội cho văn hóa phát triển từ khoản đầu tư đó. Cùng với khoản hỗ trợ về tài chính như vậy, bao giờ cũng có những mục tiêu, chương trình, dự án cụ thể... tạo ra động lực, sự quan tâm đối với văn hóa đều khắp cả nước, tạo ra sự so sánh, thậm chí "cạnh tranh" giữa các địa phương trong đầu tư hỗ trợ văn hóa.
Với Quốc hội, Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thông qua mà ở đó có nhiều thông điệp lấy từ tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, khẳng định xây dựng điện ảnh không chỉ là một ngành giải trí, phục vụ nhiệm vụ chính trị, mà còn là ngành công nghiệp văn hóa. Sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, từ đó huy động sự quan tâm, tìm cách tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực này.
Những câu chuyện như vậy thể hiện đang có sự chung tay, chung sức của các cấp, ngành, địa phương, ở các lĩnh vực khác nhau, tạo ra thời cơ, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa những năm sắp tới.
- Trong những kết quả như ông vừa nêu, điều gì đáng chú ý nhất?
- Kết quả quan trọng nhất thu được cho tới hiện nay là nhận thức về văn hóa đã đi vào hành động cụ thể. Không chỉ nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa là “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước, hay “văn hóa còn, dân tộc còn”, chúng ta còn biến những khẩu hiệu đó thành chương trình, kế hoạch, luật pháp hay đầu tư nguồn lực... Nhận thức này thực sự đã đúng, đầy đủ và tạo chuyển động trên thực tiễn.
Chúng ta hy vọng rằng từ nhận thức đúng, những kế hoạch đang đặt ra đó, sẽ có thành công trên thực tế, giúp cho văn hóa thực sự trở thành “hệ điều tiết của sự phát triển đất nước” trong những năm sắp tới.

Ảnh: H. Sen
Cần chính sách, nguồn lực phù hợp
- Theo ông, làm thế nào để tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc tiếp tục lan tỏa, tạo chuyển biến tích cực và thực chất với lĩnh vực văn hóa trong thời gian tới?
- Đầu tiên là phải ban hành cơ chế và luật pháp phù hợp. Hiện nay, luật pháp với lĩnh vực văn hóa còn thiếu nhiều văn bản quan trọng; hoặc các văn bản khác nhau có liên quan đến văn hóa chưa thực sự giúp cho văn hóa cất cánh. Ví dụ, Luật Thuế chưa có ưu đãi lớn nào cho lĩnh vực văn hóa, hay Luật Đầu tư công chưa có chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa... Còn nhiều luật khác cần phải sửa để tạo xung lực cho văn hóa phát triển trong những năm tới.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp để các chính sách đi vào từng khâu của văn hóa, từ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đạo đức và nhân cách con người; phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy hợp tác quốc tế...
- Việc đầu tư nguồn lực và cơ sở vật chất cho văn hóa chắc hẳn cũng cần được quan tâm hơn, thưa ông?
- Đúng thế. Thứ nhất là nguồn nhân lực cho văn hóa, phải tập hợp được các tài năng văn hóa nghệ thuật, vì đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, tinh tế của xã hội và trong văn kiện, nghị quyết của Đảng khi bàn về văn hóa đều nói rằng tài năng văn hóa nghệ thuật là nguồn lực quan trọng. Chúng ta phải phát triển được những tài năng ấy để từ đó tỏa sáng giá trị văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Thứ hai là về nguồn lực tài chính, Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu: Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm. Con số này cần được thực hiện, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của lĩnh vực văn hóa. Không chỉ chi 2% ngân sách, cần có một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa để từ đó huy động được nhiều nguồn lực hơn.
Thứ ba, cơ sở vật chất cho văn hóa cũng cần được đầu tư nhiều hơn. Hiện nay, nhiều nhà hát, bảo tàng, thư viện... đều trong tình trạng khá lạc hậu, được xây dựng từ lâu và không xứng tầm với thiết chế văn hóa của thời đại Hồ Chí Minh. Cần phải đầu tư cho những thiết chế đó, không chỉ để có vẻ ngoài hào nhoáng, thể hiện sự phát triển của xã hội, mà là nơi tổ chức các sự kiện xứng tầm của Việt Nam, của khu vực và thế giới, có điều kiện để phát triển văn hóa nghệ thuật.
- Xin cảm ơn ông!