Tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn

- Thứ Hai, 21/06/2021, 08:09 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 hoành hành hơn 1 năm qua đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm, trong đó lao động nông thôn là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Theo các chuyên gia, tạo việc làm tại chỗ được xem là giải pháp bền vững giúp lao động nông thôn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Chương trình kém hấp dẫn, cơ chế hỗ trợ thấp

Nhờ triển khai nhiều chính sách đồng bộ sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, những năm qua tỉnh Yên Bái đã triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, chỉ tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, Yên Bái đào tạo nghề cho 78.750 người, đạt 126,4% so với kế hoạch. Trong đó, số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề đạt 26.874 người. Dạy nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm, chất lượng việc làm và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Từ kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Yên Bái đặt ra chỉ tiêu hỗ trợ đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho khoảng 20.000 lao động nông thôn (bình quân 4.000 lao động/năm), trong đó người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 12.000 người (khoảng 60%); người khuyết tật chiếm khoảng 1.000 người (chiếm 5%); người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm khoảng 4.000 người (chiếm 20%)... Để đạt được mục tiêu này tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó dành nguồn lực cũng như nhân lực lớn với quyết tâm mạnh mẽ nâng chất lượng nguồn lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái, dù đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đánh giá là “chìa khóa” để giảm nghèo bền vững, song việc lựa chọn đào tạo nghề chưa thực sự được người dân coi trọng. Nguyên nhân do ngành nghề đào tạo thiếu tính đa dạng, bên cạnh đó là tâm lý thích đi làm xa, nhất là lực lượng lao động trẻ.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, nguyên nhân khiến số lao động nông thôn tham gia học nghề còn hạn chế là do chương trình học thiếu hấp dẫn, mức hỗ trợ học nghề còn thấp... dẫn đến việc người lao động không mấy mặn mà trong lựa chọn học nghề miễn phí. Đáng nói, thực trạng này cũng đang diễn ra ở các địa phương. “Được trả chi phí học nghề nhưng những chi phí khác như ăn ở, đi lại thì phải tự lo. Với lại, danh mục nghề ít, thời gian đào tạo lại ngắn nên tôi không lựa chọn học nghề miễn phí, tôi thà chọn đăng ký tìm việc làm mới sẽ nhanh hơn là đi học nghề”, anh Cẩm Văn Cường (huyện Kim Bôi, Hòa Bình) chia sẻ.

Thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, dịch bệnh khiến tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng cao trong quý I.2021, trái ngược với xu thế giảm tỷ lệ này trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp; trong đó, có cả các biện pháp tinh giản lao động như cắt giảm, nghỉ luân phiên; tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. “Điều này làm số lao động chính thức giảm và số lao động phi chính thức tăng, dẫn đến tình trạng tăng trở lại tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức sau nhiều năm liên tục giảm”, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê Phạm Hoài Nam cho biết.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nguồn: ITN 

Ly nông bất ly hương

Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp thúc đẩy hoạt động đào tạo, đào tạo lại người lao động theo hướng giúp người lao động nâng cao kỹ năng, thích ứng tốt hơn trong bối cảnh hậu Covid-19 và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, để doanh nghiệp quyết định trong việc lựa chọn chương trình, cơ sở đào tạo, người lao động... nhằm bảo đảm hiệu quả của hoạt động đào tạo.

Xác định rõ vai trò, vị trí của lao động nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Chính phủ đã xác định việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện. Theo đó, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho lao động di cư thông qua các hoạt động hỗ trợ tín dụng, kết nối thông tin với thị trường lao động và chuyển đổi nghề nghiệp; mở rộng cơ hội cho lao động di cư tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm…

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội định hướng các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng đào tạo lại, đào tạo nâng cao kiến thức cho người lao động phù hợp quá trình xây dựng nông thôn mới, thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và chuyển đổi số. Trước mắt, các đơn vị, địa phương cần tập trung hỗ trợ đào tạo cho đối tượng lao động nông thôn bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và lao động là người khuyết tật. Từ đó có chính sách, cơ chế thu hút và tạo điều kiện cho lao động nông thôn mưu sinh trên chính quê hương mình.

Đánh giá vai trò của chính sách tạo việc làm tại chỗ, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, trung bình mỗi năm, Cà Mau có khoảng trên 200.000 lao động phải xa quê, tìm việc làm ngoài tỉnh. Hầu hết số lao động này không tay nghề, không tư liệu sản xuất, tính chất công việc bấp bênh, đối diện với yêu cầu cao về mặt sức khỏe, chi phí sinh hoạt, đi lại… Vì vậy, giải quyết việc làm tại chỗ luôn là vấn đề được tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm. Theo đó, tỉnh Cà Mau đã tiến hành đổi mới công tác dạy nghề gắn với nhu cầu thị trường; mở các lớp dạy, truyền nghề một cách chọn lọc những nghề thế mạnh, có khả năng phát triển ở từng địa phương. Tỉnh cũng đã ban hành danh mục, với 75 ngành nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp với đặc thù của từng huyện, thành phố và điều kiện sản xuất của người dân. Có thể thấy, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay đối với việc làm cho lao động nông thôn chính là đào tạo và tạo việc làm tại chỗ. Hiệu quả không chỉ dừng ở tạo việc làm bền vững, xóa đói giảm nghèo mà còn là giải pháp nâng cao năng suất lao động cho khu vực này.

Thái Yến