Rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu…
Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nêu rõ, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do đã được nêu tại Tờ trình số 767/TTr - CP. Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính của dự án, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án…
Thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) ủng hộ chủ trương nhưng băn khoăn về hiệu quả. Tuyến đường sắt này đi qua 20 tỉnh, thành phố, mật độ dân cư không quá đông, trong khi mức giá vé khá cao, thời gian di chuyển từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh mất khoảng 6-7 tiếng nên có thể nhiều người sẽ chọn đi máy bay. Về hình thức đầu tư, đại biểu Thạnh Phước Bình đề nghị nên chăng kết hợp cả nhà nước và tư nhân.
Đại biểu Quốc hội Cao Mạnh Linh (Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc đầu tư dự án sẽ cung cấp thêm cho người dân sự lựa chọn về phương tiện đi lại. Theo đại biểu Cao Mạnh Linh, thời gian di chuyển có thể dài hơn so với máy bay nhưng việc lựa chọn đường sắt thuận lợi về mặt thủ tục nên cũng không chênh nhiều. Về bố trí các điểm ga xa các khu trung tâm hiện hữu, theo đại biểu, đây là cũng là điều kiện thuận lợi để các địa phương định hướng phát triển các đô thị mới…
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) dù ủng hộ chủ trương đầu tư dự án nhưng đề nghị phải tính toán khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, Chính phủ nên báo cáo rõ hơn về các đoạn ga, tuyến làm sao cho hài hòa, hợp lý…
Đại biểu Quốc hội Lại Thế Nguyên (Thanh Hóa), đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền (Hà Nam) cũng tán thành với chủ trương đầu tư và mong muốn dự án sớm được triển khai.
Phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành và 3 nội dung điều chỉnh với những lý do đã nêu tại Tờ trình số 747/TTr-CP. Đó là điều chỉnh phân kỳ đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3 của dự án từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1 để đưa vào khai thác đồng bộ cùng với giai đoạn 1, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng tốt nhu cầu khai thác liên tục của sân bay khi một đường cất hạ cánh gặp sự cố, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án…
Thứ hai là điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến hết ngày 31.12.2026. Việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án sẽ tạo điều kiện đồng bộ hạ tầng phụ trợ, các tuyến đường kết nối, nhà ga và các công trình hỗ trợ khác một cách hợp lý hơn, đặc biệt là đồng bộ với thời hạn hoàn thành việc đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 3, giúp tối ưu hóa hiệu quả vận hành trong dài hạn.
Thứ ba, cho phép Chính phủ không phải báo cáo Quốc hội thông qua, trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành giai đoạn 1 theo thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án và phù hợp với quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 40, Luật Đầu tư công…
Tán thành với việc cần thiết điều chỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ thêm về nguồn vốn bởi đây là điều chỉnh từ giai đoạn 3 sang giai đoạn 1; nguồn vốn tiết kiệm được và dự phòng như thế nào.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần làm rõ nguồn vốn dự kiến cũng như về quy mô, công suất để bảo đảm không lãng phí nguồn lực…
Tạo lập hành lang pháp lý để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh
Theo tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất thì việc này nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Các ý kiến thảo luận về nội dung này đều tán thành với các nội dung trong Tờ trình như tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ, hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất dễ dẫn đến khiếu kiện của người dân. Đồng thời góp phần thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho nhân dân.