Thu, chi ngân sách nhanh hơn, chính xác hơn
Từ năm 2014, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã triển khai thanh toán song phương điện tử trong toàn hệ thống với 4 hệ thống ngân hàng thương mại gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV. Sau 10 năm, đến tháng 7.2024, hệ thống KBNN đã mở rộng phương thức thanh toán này với 18 ngân hàng thương mại thông qua 833 tài khoản thanh toán và 2.589 tài khoản chuyên thu, tương ứng với tổng số gần 700 đơn vị KBNN các cấp.
Theo đánh giá của KBNN, thanh toán song phương điện tử đã cải thiện đáng kể chất lượng công tác kế toán, thanh toán, góp phần đẩy nhanh quá trình điện tử hóa công tác giao dịch giữa KBNN và ngân hàng thương mại. Đặc biệt, phương thức này đã thay thế hoàn toàn việc giao dịch thủ công bằng chứng từ giấy và giao dịch trực tiếp trước đây.
Cũng nhờ thanh toán song phương điện tử, công tác chi, thu, nộp ngân sách nhà nước qua các ngân hàng thương mại và KBNN các cấp được nhanh hơn, chính xác hơn; đơn giản, thuận tiện hơn… Điều này góp phần cải cách thủ tục hành chính và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Các bước nhập liệu của kế toán và các khâu kiểm soát của kế toán trưởng hàng ngày giảm bớt, đồng thời, chi phí hành chính trong việc đi lại giao nhận và đối chiếu chứng từ hàng ngày giữa KBNN với ngân hàng thương mại cũng giảm.
Bên cạnh đó, thực hiện thanh toán song phương điện tử đã giúp cho ngân quỹ nhà nước ở các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN được tập trung hàng ngày về tài khoản thanh toán tổng hợp, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN mở tại trụ sở chính ngân hàng thương mại và sau đó tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước một cách nhanh chóng, an toàn.
Tuy nhiên, thời gian qua, phương thức thanh toán này cũng bộc lộ một số bất cập. KBNN cho biết, việc các đơn vị KBNN phải mở và thanh toán qua nhiều tài khoản tại các chi nhánh ngân hàng thương mại làm cho việc quản lý tài khoản bị dàn trải, tốn nhiều nguồn lực của cả KBNN và ngân hàng trong quản lý, đối chiếu, quyết toán. Hạn chế này sẽ ngày càng tăng lên khi KBNN tiếp tục triển khai phối hợp thu với các ngân hàng mới. Hơn nữa, việc quyết toán các tài khoản được thực hiện vào cuối ngày với thời gian rất ngắn (khoảng 40 phút), trong khi khối lượng công việc phải xử lý trên hệ thống quá lớn, nhiều trường hợp xảy ra sự cố và không thực hiện được quyết toán, dẫn đến số dư các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu sau khi quyết toán không được chuyển về tài khoản thanh toán tổng hợp tại Ngân hàng Nhà nước.
Hướng tới thanh toán song phương điện tử tập trung
Nhằm khắc phục những hạn chế này và tạo thuận lợi hơn nữa trong thanh toán, thu, nộp ngân sách, KBNN đang hướng tới phương thức thanh toán song phương điện tử tập trung. Theo đó, KBNN sẽ tập trung tất cả các nguồn ngân quỹ về một nơi, cụ thể là tập trung về tài khoản của Sở Giao dịch KBNN tại hội sở chính các ngân hàng.
Ở mô hình này, toàn bộ lệnh thanh toán đi, đến được truyền nhận, xử lý và quản lý thống nhất tại hệ thống thanh toán song phương điện tử tập trung, trong khi mô hình hiện nay thì phải xử lý trên hai ứng dụng khác nhau. Như vậy, phương thức mới không chỉ nâng cao tính nhanh chóng, kịp thời và an toàn của nghiệp vụ thanh toán, giảm tải khối lượng công việc cho các đơn vị KBNN mà còn góp phần quan trọng làm giảm chi phí thanh toán do có thể lựa chọn các kênh thanh toán phù hợp qua các ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản thanh toán tổng hợp.
Một trong những lợi ích lớn nhất của thanh toán song phương điện tử tập trung là không còn nghiệp vụ quyết toán từ các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN về các tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN như hiện tại. Lý do là các đơn vị KBNN chỉ thực hiện thu, chi trực tiếp thông qua 1 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu duy nhất. Cuối ngày, KBNN chỉ thực hiện kết chuyển số dư tại thời điểm COT (thời điểm tạm ngừng truyền, nhận chứng từ thanh toán để đối chiếu số liệu thanh toán trong ngày giữa KBNN và ngân hàng) trên tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tổng hợp của KBNN mở tại trụ sở chính ngân hàng thương mại về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước.
Hướng đi của KBNN là nhằm thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược yêu cầu đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong thu ngân sách; bảo đảm nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày, toàn bộ số dư ngân quỹ nhà nước được tập trung về tài khoản thanh toán tổng hợp của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng kho bạc số vào năm 2030.