Kho bạc Nhà nước

Tạo thuận lợi tối đa cho chủ đầu tư để "thúc" giải ngân vốn đầu tư công

- Thứ Năm, 24/09/2020, 05:59 - Chia sẻ
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không ngừng cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với kho bạc.

Lúng túng với quy định mới

Theo báo cáo của KBNN, tính đến 31.8, lũy kế giải ngân vốn đầu tư qua hệ thống kho bạc là 210,4 nghìn tỷ đồng, đạt 46,6% kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng giao kiểm soát chi qua kho bạc. Riêng khối địa phương, lũy kế giải ngân là 179,4 nghìn tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch vốn Thủ tướng giao.

Kho bạc Nhà nước nỗ lực cải cách, góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Ảnh: T.Linh

Tỷ lệ này mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 42,3%) nhưng vẫn đạt thấp so với kế hoạch vốn năm 2020. KBNN cho rằng, nguyên nhân là các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn kéo dài kế hoạch năm 2019. Bên cạnh đó, có những dự án đang hoàn thành nghiệm thu khối lượng chưa làm thủ tục thanh toán vốn ở KBNN, một số dự án mới chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ. Việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn chậm.

Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay còn chịu ảnh hưởng của một số văn bản, chính sách mới. Cụ thể, Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể (thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án, ban hành đơn giá…) chưa được hướng dẫn cụ thể khiến các bộ, ngành địa phương và chủ đầu tư gặp khó khăn (tháng 7 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 108/NQ-CP để tháo gỡ). Các bộ, ngành, địa phương cũng lúng túng vì Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài có nhiều quy định mới, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân lực, vật tư, tổ chức thi công. Nhiều công trình phải tạm dừng thi công, nhất là dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài gắn với khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát…

Đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát

Về phía KBNN, với vai trò là cơ quan kiểm soát chi ngân sách, toàn hệ thống đã nỗ lực cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa các thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với kho bạc.

Hệ thống kho bạc luôn kịp thời báo cáo về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công định kỳ hàng tháng, quý, năm; trong đó, nêu rõ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng làm cơ sở đôn đốc. Hàng tháng, KBNN thông báo tỷ lệ giải ngân cho người đứng đầu các bộ, ngành nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành…

Trước hết phải kể đến việc KBNN đã thống nhất cơ chế quản lý, sử dụng và thanh toán vốn đầu tư xây dựng tại một văn bản, trong đó thống nhất về hồ sơ thủ tục với tất cả nguồn vốn: Ngân sách xã, trái phiếu Chính phủ, vốn đầu tư các huyện nghèo, vốn phát triển rừng… KBNN kiểm soát chi đối với các dự án đầu tư công bảo đảm theo đúng danh mục dự án và kế hoạch vốn được giao.  

Hồ sơ kiểm soát thanh toán tại KBNN cũng được tăng cường cải cách theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch; rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán. Đặc biệt, tháng 1 năm nay, KBNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN nhằm thống nhất về hồ sơ kiểm soát chi qua hệ thống KBNN, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư. Thời gian kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư đã được rút ngắn từ 7 ngày làm việc xuống còn chậm nhất 3 ngày. Riêng với trường hợp “thanh toán trước, kiểm soát sau”, thời gian kiểm soát, thanh toán chỉ còn 1 ngày làm việc kể từ khi KBNN nhận đầy đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ.

Đặc biệt, từ đầu năm 2018, KBNN đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đây là bước đi đầu tiên tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử, tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch với kho bạc. Đến hết tháng 3.2020, hệ thống kho bạc đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp đến 100% các đơn vị giao dịch tại KBNN cấp tỉnh. Trong thời điểm dịch Covid-19, KBNN chỉ đạo kho bạc địa phương phối hợp với đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Tính đến hết ngày 31.8.2020 đã có 97% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ giao dịch chi ngân sách đi qua dịch vụ công trực tuyến đạt khoảng 89%.

Đối với kho bạc các tỉnh, thành phố, KBNN yêu cầu phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán, bảo đảm mọi hồ sơ, chứng từ do chủ đầu tư gửi đến KBNN nơi giao dịch đều được tiếp nhận, giải quyết theo đúng chế độ và thời gian quy định. Đồng thời, có văn bản đôn đốc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khi có khối lượng hoàn hành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến kho bạc để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào những tháng cuối năm gây khó khăn trong công tác kiểm soát chi và giải ngân.

Hà Lan