Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết: “QH thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp, thầy thuốc, các nhà khoa học tiếp cận những thành tựu, công nghệ mới, tiên tiến nhất vào việc phòng bệnh và điều trị nhiều loại bệnh lý nguy hiểm”.
- Được biết, Vabiotech rất thành công trong sản xuất vaccine và chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất vaccine cho nhiều đơn vị trong nước. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn?
- Hiện nay, hầu hết sản phẩm vaccine của Vabiotech đều được sản xuất dựa trên các công nghệ chuyển giao của nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cũng như tự nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước. Từ việc tiếp thu chuyển giao công nghệ, các nhà sản xuất vaccine trong nước đã tiếp cận được nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Từ đó, áp dụng vào việc phát triển tiếp các loại vaccine mới có nhiều đặc tính ưu việt hơn, đem lại các giá trị ưu việt như hiệu quả và tính an toàn cho người sử dụng. Công ty đồng thời cũng phối hợp với các cơ sở nghiên cứu trong nước nghiên cứu phát triển các công nghệ sản xuất các sinh phẩm y tế từ quy mô sản xuất phòng thí nghiệm lên quy mô sản xuất lớn.
![]() Công nghệ sản xuất thuốc vaccine của Vabiotech |
- Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ có khó khăn gì, thưa ông?
- Là công ty 100% vốn nhà nước, chuyên cung cấp các sản phẩm công ích nên Vabiotech có nhiều thuận lợi về thủ tục cũng như một phần kinh phí trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, Vabiotech cũng có những khó khăn riêng như kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp, khó đủ bù đắp chi phí mua công nghệ từ nước ngoài, đồng thời phải qua nhiều thủ tục phê duyệt, thời gian kéo dài, do vậy rất khó để đàm phán với các đối tác chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật. Các công nghệ hiện có phần lớn là qua các nguồn viện trợ phát triển (ODA) của các nước đang sở hữu công nghệ tiên tiến. Việc chuyển giao công nghệ phải gắn với viện trợ phát triển, do vậy khó đàm phán với các đối tác trong việc mua sắm các trang thiết bị, máy móc tiên tiến hiện đại, đặc biệt thời gian chuyển giao luôn bị động, phải phụ thuộc vào tiến độ cung cấp vốn của đối tác.
- Tại Kỳ họp thứ 3, QH Khóa XIV sẽ xem xét, thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Theo đó, bổ sung nhiều quy định khuyến khích chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ trong lĩnh vực y tế. Quan điểm của ông thế nào về sự đổi mới này?
- Y tế là lĩnh vực có tốc độ thay đổi và phát triển công nghệ nhanh nhất hiện nay. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được áp dụng trong phòng và điều trị bệnh như các nghiên cứu, chế tạo ra thuốc, vaccine mới, các kỹ thuật can thiệp mạch máu, điều trị đích trong ung thư, miễn dịch... Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) hy vọng sẽ giúp các thầy thuốc, các nhà khoa học Việt Nam nhanh chóng tiếp cận các thành tựu, công nghệ mới nhất của nhân loại trong phòng và điều trị nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
- Ông có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ?
- Là doanh nghiệp hoạt động về công nghệ với bề dày kinh nghiệm trong tiếp thu chuyển giao công nghệ và các kỹ thuật mới nhiều năm qua, Vabiotech đề nghị Nhà nước có các cơ chế đặc biệt đối với việc mua và chuyển giao các công nghệ có tính đột phá trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Các cơ quan quản lý cần hỗ trợ, hướng dẫn đơn vị nhận chuyển giao công nghệ về thủ tục để nhanh chóng tiếp nhận nguồn vốn đủ và đúng tiến độ. Điều đó giúp thúc đẩy và tạo thuận lợi cho các đơn vị trong việc đàm phán chuyển giao công nghệ với đối tác. Các Chương trình và Quỹ đổi mới công nghệ sẽ là nơi hỗ trợ cả về mặt thủ tục cũng như kinh phí cho việc tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ mới.
- Xin cảm ơn ông!