Tạo sức sống mới cho các ngôi đình trong phố

Nhiều hoạt động và dự án nghệ thuật đang được triển khai nhằm hồi sinh các ngôi đình cổ trong khu phố cổ Hà Nội, biến chúng thành không gian sáng tạo, tạo sức hút với du khách.

Sáng tạo đối thoại với di sản

Đình Tú Thị nằm trên phố Yên Thái, phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tên chữ là Tú Đình thị, nghĩa là chợ đình thợ thêu, đình được xây dựng năm 1891 bởi dân làng thêu Quất Động tới tụ cư tại kinh thành Thăng Long. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, thờ cụ tổ nghề Lê Công Hành và là nơi hành hương bái tổ của nhiều thế hệ người làm nghề thêu khắp cả nước.

Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Nguyễn Mạnh Linh cho biết, thời gian qua, phường đã nghiên cứu, tổ chức nhiều triển lãm giới thiệu, quảng bá đến du khách, khách thập phương nghề thêu có lịch sử lâu đời của người dân Việt Nam, gắn với di tích đình Tú Thị. Năm 2023, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11), triển lãm “Chuyện đình trong phố” tại đình Tú Thị, giới thiệu những tác phẩm thêu tay của nhóm họa sĩ trẻ.

Năm 2024, triển lãm sản phẩm nghề thủ công truyền thống tranh thêu tay do nghệ nhân xã Quất Động, huyện Thường Tín, thực hiện. Ngay những ngày đầu năm 2025, phường Hàng Gai đã phối hợp với nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm tổ chức dự án Nghệ sĩ lưu trú với chủ đề "Tơ óng - Màu cây", tạo ra một không gian giao lưu, tương tác với nghệ sĩ, người làm nghệ thuật, nhân dân, khách du lịch.

Đến nay, đình Tú Thị không chỉ mang giá trị tinh thần và tâm linh lâu đời mà còn đóng góp thiết thực cho hành trình tiếp nối di sản. Một phần không gian đình trở thành trung tâm giao lưu, gìn giữ và thực hành nghề thêu, vừa để vinh danh tổ nghề, vừa giới thiệu tinh hoa tới thế hệ trẻ và du khách.

z6239177622609-5cbae75911f25797acf91277825c106c.jpg
Giới thiệu nghệ thuật thêu truyền thống tại đình Tú Thị. Ảnh: NSCC

Cũng nằm trong phố cổ Hà Nội, đình Kim Ngân có từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Ngôi đình tuy do người dân gốc Châu Khê (Hải Dương) tụ cư tại phố Hàng Bạc khởi dựng nhưng vốn để thờ ông Tổ Bách Nghệ - ông Tổ sinh ra mọi nghề chứ không phải thờ người đã mang nghề kim hoàn đến cho Châu Khê.

Sau khi được trùng tu năm 2011, đình Kim Ngân không chỉ mở cửa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn trở thành nơi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghề, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian góp phần phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của khu phố cổ. Nơi đây cũng thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động triển lãm di sản, biểu diễn nghệ thuật, lan tỏa nét đẹp truyền thống… thu hút đông đảo khách du lịch và nhân dân Hà Nội.

Có thể thấy, các ngôi đình giờ đây không chỉ là nơi thờ tổ nghề mà có thêm chức năng là không gian sáng tạo để các nghệ sĩ tổ chức triển lãm, đối thoại với câu chuyện của chính ngôi đình.

Biến chuyện nghề thành nghệ thuật đương đại

Từng tham dự nhiều chương trình nghệ sĩ lưu trú trên thế giới, đưa thực hành của mình đối thoại với các không gian, cộng đồng, thành phố, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết: nghệ sĩ trên thế giới thường xuyên di chuyển qua các không gian nghệ sĩ lưu trú. Đây cũng là gợi ý khai thác không gian sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, cụ thể quận Hoàn Kiếm có tổ hợp hơn 60 ngôi đình thờ tổ nghề - là điều rất thú vị, đặc điểm văn hóa riêng biệt của Việt Nam. Những ngôi đình như viên ngọc ẩn giấu trong đô thị sầm uất, có thể trở thành cảm hứng để nghệ sĩ tương tác, sáng tạo.

Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, Hà Nội có thể học hỏi từ các thành phố ở Nhật Bản, có quỹ mời nghệ sĩ trên khắp thế giới lưu trú tại một số đền thờ, vừa trao đổi, nghiên cứu, sáng tác, mang lại lợi ích cho chính cộng đồng địa phương.

dscf0231.jpg
Các hoạt động, dự án nghệ thuật đương đại tạo sức sống mới cho các ngôi đình

Vừa qua, dự án “Chuyện đình trong phố” đã được triển khai tại 7 ngôi đình trong khu phố cổ Hà Nội. Trong đó, đình Nam Hương (75 phố Hàng Trống, thờ thần Long Đỗ, Linh Lang, Cao Sơn) là nơi đầu tiên triển khai các hoạt động này, trở thành địa chỉ giới thiệu tranh dân gian Hàng Trống và tác phẩm của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Hàng Trống bằng nhiều chất liệu khác nhau.

Đình Hà Vĩ (11 phố Hàng Hòm, thờ tổ nghề sơn Trần Lư), mang đến những câu chuyện của nghề sơn ta, trưng bày những sản phẩm sơn mài mỹ nghệ, các tác phẩm hội họa tranh sơn mài của các họa sĩ trẻ.

Đình Phả Trúc Lâm (40 phố Hàng Hành, thờ tổ nghề da giày Nguyễn Thời Trung) trở thành không gian nghệ thuật với hàng loạt tác phẩm được sáng tác từ cảm hứng về nghề da giày và những đôi hài cổ.

Đình Trung Yên (số 10 ngõ Trung Yên, thờ ông Mỗ - Tiến sĩ thời Mạc) triển lãm các tác phẩm chủ yếu xoay quanh hình ảnh cuộc sống người dân sống quanh ngôi đình cũng như cuộc sống của người dân phố cổ.

Đình Phúc Kiến (vốn là Hội quán Phúc Kiến, số 40 Lãn Ông, thờ Thiên Hậu) chứa đựng những câu chuyện của cộng đồng cư dân sống ở khu phố Phúc Kiến, Lãn Ông, Thuốc Bắc trước đây, chủ yếu làm nghề thuốc…

Qua dự án cho thấy, thực hành nghệ thuật đương đại có thể kết nối với câu chuyện nghề ở Việt Nam. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho đây là câu chuyện làm mới di sản, không chỉ là di sản kiến trúc, mà còn là di sản văn hóa phi vật thể không còn được thường xuyên quan tâm trong đời sống xã hội. Ở đó cho thấy cơ hội biến chuyện nghề truyền thống thành nghệ thuật đương đại. Từ đó, mang đến cho ngôi đình đời sống mới, tạo sức hút để di sản mở cửa hàng ngày, thu hút sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là khách quốc tế.

Văn hóa - Thể thao

Rối cạn Ổi Lỗi - nghệ thuật trong không gian thiêng
Văn hóa

Rối cạn Ổi Lỗi - nghệ thuật trong không gian thiêng

Trong không gian cổ kính của ngôi chùa Đại Bi ở thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định, nghệ thuật múa rối chầu Thánh (Ổi Lỗi) đã được sáng tạo, phát triển qua hàng trăm năm. Với những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh, nghệ thuật này vẫn được lưu truyền, là nghi lễ đặc trưng, quan trọng nhất trong lễ hội chùa Đại Bi mỗi khi Tết đến xuân về.

Chính quyền và nhân dân tham dự lễ hội Đình Làng Mỏ năm 2025
Văn hóa

Bảo tồn, phát huy giá trị đình làng Mỏ

Chi Lăng (Lạng Sơn) là vùng đất chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa tiêu biểu, hiện còn bảo tồn được nhiều ngôi đình linh thiêng có giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, trong đó có đình làng Mỏ thờ Thành hoàng làng Lô Văn Lá. Những năm qua, bằng nhiều giải pháp hiệu quả, huyện Chi Lăng đã nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị di tích, góp phần giáo dục lịch sử truyền thống địa phương.