Lưu giữ chuyện nghề, chuyện làng
“Chuyện xưa kể lại, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, một tốp thợ từ Yên Thành, Yên Mô đã ngược sông Hồng theo vua ra đây để dựng thành và phát triển nghề. Qua vùng 72 gò đất trắng đã lập phường sản xuất gốm gọi là Bạch Thổ phường… Từ những ngày đầu còn hoang hóa, sơ khai đến lập nghiệp, các gia đình trong làng đã có ý thức tôn thờ, tạo dựng nơi thờ tự, dù khi ấy chỉ là nhà tre vách lá, nhưng cũng rất trang nghiêm" - ông Phùng Quang Điện - Phó ban đại diện làng chia sẻ nhân Lễ hội truyền thống làng cổ Bát Tràng 2024 cuối tuần qua.
Cứ vào mỗi dịp đầu xuân, các gia đình lại đến tạ ơn tổ nghề và thành hoàng làng. Nét đẹp văn hóa này được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ, cho đến ngày nay, lễ hội làng được tổ chức vào các ngày 14 - 16.2 âm lịch. Tại tòa đại đình nằm bên bờ sông Hồng, nơi hội tụ nguồn thiêng phát tích, ngày hội truyền thống làng Bát Tràng thu hút đông đảo Nhân dân tới lễ bái, tạ ơn trời đất, ngưỡng vọng các bậc thánh nhân và các vị tiền nhân đã khởi thủy định cư lập nghiệp, tạo dựng lên Bạch Thổ phường - Bát Tràng làng gốm ngày nay. Các giá trị văn hóa lịch sử ẩn hiện trong các công trình kiến trúc cổ kính, nét đẹp truyền thống của làng qua các nghi thức, lễ rước, vật phẩm, ẩm thực… cũng được giới thiệu, phô diễn trong hội làng.
Bà Hà Thị Vinh, người con của một trong 19 dòng họ gốc làng Bát Tràng, cho biết: Bát Tràng có hai điều đặc biệt, là có nghề trước khi có làng, gắn với câu chuyện của làng gốm Bồ Bát, Ninh Bình; và có làng nhưng không bao giờ có ruộng. Hai điều ấy hình thành nên tư duy, văn hóa của người Bát Tràng và định vị sự phát triển. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng nghề vẫn thăng hoa. Nghề thịnh vượng thì văn hóa phát triển, mà đến nay vẫn được lưu giữ qua ngôi đình làng, Kim Trúc Tự, đền Mẫu Bản Hương, Văn Từ, các nhà thờ họ…
Đặc biệt, khu làng cổ với ngõ nhỏ, tường cao vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn, trong đó có 23 ngôi nhà cổ, nơi Nhân dân Bát Tràng đời nối đời sống và làm nghề, sinh hoạt và gìn giữ văn hóa làng. Bởi vậy, ngoài nổi tiếng về nghề gốm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng cổ Bát Tràng cũng có nhiều tiềm năng về du lịch, có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Hướng tới phát triển du lịch bền vững
Men theo những con đường nhỏ của làng Bát Tràng, ngách này rẽ sang ngách khác tưởng như lạc vào mê cung, chúng tôi đến ngôi nhà cổ năm gian hai chái hơn 100 năm tuổi tại thôn 1 làng cổ Bát Tràng. Hồ hởi pha trà mời khách, ông Lê Văn Long, một cựu chiến binh vui vẻ giới thiệu về lịch sử ngôi nhà làm bằng gỗ xoan đỏ, có bức hoành phi câu đối gửi gắm mong ước phát triển nghề gốm, bên cạnh là ngôi nhà theo phong cách hiện đại, xây dựng năm 1911.
“Tháng 10.2019, làng nghề gốm Bát Tràng được công nhận là Điểm du lịch của thành phố Hà Nội. Hai tháng sau đó, tôi mở cửa nhà cổ đón khách, để giới thiệu văn hóa của gia đình, gắn với làng nghề, lịch sử nhà cổ và làng cổ” - ông Lê Văn Long cho biết. Qua đại dịch Covid-19, đến nay, lượng khách về Bát Tràng bắt đầu tăng trở lại, hàng ngày ông Long vẫn đón tiếp các nhóm khách nước ngoài cũng như các đoàn học sinh vào tham quan, tìm hiểu nhà cổ và nghề gốm.
“Trong làng đến nay mới chỉ lác đác vài nhà mở cửa đón du khách. Tôi mong muốn du lịch của Bát Tràng phát triển, có thể tổ chức thành các tour giới thiệu nét độc đáo di sản của làng, qua đó, phát huy giá trị di sản để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho cộng đồng” - ông Lê Văn Long mong muốn.
Trước đó, để phát huy giá trị làng nghề, huyện Gia Lâm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư hệ thống "Du lịch thông minh" tại Bát Tràng; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại. UBND xã Bát Tràng cũng đã có những chương trình tuyên truyền Nhân dân tạo cảnh quan đẹp, thân thiện, hấp dẫn khách du lịch…
Mô hình bảo tàng sinh thái tại làng cổ Bát Tràng cũng đang được xây dựng, với kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành "làng di sản", nơi cộng đồng dân cư kể chuyện ông cha khởi nghiệp, duy trì, phát triển nghề và gìn giữ văn hóa, tập tục của làng, của từng dòng họ, gia đình; giới thiệu trình diễn nghề gốm, cũng như nét ẩm thực độc đáo...
Theo bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bát Tràng, “du lịch Bát Tràng vẫn đang trong những bước đi đầu tiên. Phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ mũi nhọn hướng tới phát triển kinh tế chung của Bát Tràng. Hiện nay, các nghệ nhân và Nhân dân đều ý thức làng nghề của mình 1.000 năm tuổi là vốn rất quý. Song song với phát triển làng nghề, người dân cũng vui vẻ đón tiếp khách du lịch về tham quan, trải nghiệm làng quê và tìm hiểu về quy trình làng gốm”.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bát Tràng có chương trình công tác riêng về phát triển du lịch, giao UBND xã xây dựng kế hoạch để đồng hành với người dân. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng của Bát Tràng hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân và du khách. Bởi vậy, bà Hoài cho biết, Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân Bát Tràng kỳ vọng Quy hoạch chi tiết 1/500 của xã Bát Tràng sớm được thành phố Hà Nội phê duyệt để tạo tác động tích cực phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản làng cổ.