Hải Dương đẩy mạnh cải cách hành chính

Tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:18 - Chia sẻ
Xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cơ bản, tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Nỗ lực cải thiện về chỉ số

Theo xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020), Hải Dương đạt 84,3/100 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,36 điểm và tăng 3 bậc so với năm 2019. Về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2020 (SIPAS 2020), Hải Dương xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 1 bậc so với năm 2019).

Những năm qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, nhiệm vụ về công tác công tác cải cách hành chính đã cơ bản được hoàn thành. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đồng bộ đến cấp xã, bảo đảm kết nối gửi, nhận liên thông văn bản điện tử giữa các đơn vị trên địa bàn tỉnh và đã được kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và bằng những giải pháp cụ thể, công tác cải cách hành chính tại nhiều đơn vị, địa phương đã có chuyển biến rõ rệt. Đơn cử như Sở Tài nguyên và Môi trường, từ đơn vị xếp 17/18 sở, ngành về cải cách hành chính của tỉnh; năm 2020, chỉ số cải cách thủ tục hành chính chỉ đạt 9,229/16 điểm do chậm tham mưu cho UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính; thì đến tháng 3.2021, Sở đã ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cải cách hành chính.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực, Sở đã gắn công tác cải cách hành chính với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ; xác định đây là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua, bình xét hàng năm và là căn cứ điều động, sắp xếp lại cán bộ, công chức, viên chức. Để cải thiện các tiêu chí, Sở yêu cầu các phòng, đơn vị phải xác định rõ các chỉ tiêu cần đạt được, thời gian, tiến độ thực hiện và quy trách nhiệm rõ ràng, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế.

Tương tự, với huyện Ninh Giang, khi kết quả chỉ số cải cách hành chính của huyện năm 2020 chỉ đạt 67,5/100 điểm, lãnh đạo huyện đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân do khối lượng công việc lớn, cơ sở vật chất thiếu, một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Để khắc phục những tồn tại theo từng tiêu chí, Ninh Giang đã xây dựng Đề án “Kiện toàn Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện”.

Thực hiện đề án đột phá này, bám sát chỉ đạo của tỉnh về cải cách hành chính, huyện Ninh Giang đã đầu tư xây dựng, chuyển địa điểm hoạt động bộ phận “một cửa” ra vị trí mới, nâng cấp thiết bị, niêm yết đầy đủ thủ tục hành chính và bảng thu lệ phí; yêu cầu cán bộ trực tiếp nhận hồ sơ phải có thái độ niềm nở và giải quyết kịp thời, trả kết quả cho người dân nhanh nhất. Bộ phận "một cửa" huyện đã phối hợp với ngành bưu điện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần chuẩn hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh cung ứng dịch vụ công mức độ 3 và 4, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19.

Công dân giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hải Dương

Nguồn: ITN 

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, Hải Dương đã thành lập Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại các sở, ban, ngành và UBND các cấp; đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công đi vào hoạt động từ đầu năm 2019. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt hiệu quả khá tốt, đa số hồ sơ được giải quyết đúng và sớm hơn so với quy định (tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn của các đơn vị trung bình đạt trên 99%).

Đặc biệt, từ 1 bước trong thủ tục về "Quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong trường hợp không phải lập thành dự án", Sở Tài chính đã xây dựng quy trình giải quyết nội bộ theo hình thức sơ đồ hóa. Từ 1 bước chung đã được sơ đồ hóa thành 8 bước nhỏ, mỗi bước đều quy định rõ về nội dung công việc, trách nhiệm, cơ quan thực hiện và thời gian thực hiện. Thời gian giải quyết thủ tục không quá 30 ngày được chia ra thành các bước, như nhận hồ sơ, chuyển tới bộ phận chuyên môn trong 1/2 ngày; xem xét, xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo sở phê duyệt trong 16 ngày; phê duyệt kết quả xử lý hồ sơ trong 2 ngày; thẩm tra hồ sơ, trình lãnh đạo UBND tỉnh phê duyệt trong 9 ngày... Hiện, 15 thủ tục hành chính và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính khác thuộc phạm vi, chức năng Sở Tài chính tiếp nhận, thẩm định được xây dựng lại toàn bộ bằng hình thức sơ đồ hóa, đã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt, ban hành.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp xây dựng quy trình điện tử giải quyết thủ tục tại phần mềm Hệ thống thông tin "một cửa" điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://motcua.haiduong.gov.vn. Các quy trình giải quyết theo hình thức sơ đồ hóa sẽ được niêm yết thay thế quy trình cũ của các sở, ngành đang được công khai trên hệ thống. Đối với các thủ tục hành chính liên thông trong các cơ quan, các cấp trong tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã cơ bản xây dựng xong, đáp ứng quy trình liên thông. Khó khăn trong việc liên thông giữa các cơ quan của tỉnh với các bộ, ngành trung ương cũng đang được tháo gỡ, thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số và hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các bộ, ngành.

Dương Cầm