Tạo sự thống nhất trong nhận thức, triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại
Sáng nay, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước. Là hội nghị tiếp theo trong chuỗi các hội nghị toàn quốc (về công tác nội chính, công tác văn hóa, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng) do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chủ trì tổ chức nhằm quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần này có ý nghĩa quan trọng.
Đặc biệt và ý nghĩa hơn cả, kể từ khi thành lập Đảng cũng như từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đây là lần đầu tiên chúng ta có một hội nghị chuyên sâu về công tác đối ngoại.
"Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Luận điểm quan trọng này đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đạt được những thành quả chung đó là sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại.
Thực tiễn cho thấy, công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.
Trong vai trò là lực lượng chủ lực, xung kích trên mặt trận đối ngoại, trả lời báo chí trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thông qua việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngành ngoại giao đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Trên cơ sở đó, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc Đổi mới đất nước.
Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia.
Ngành ngoại giao tham mưu cho Đảng và Nhà nước chủ trương tham gia nhiều liên kết kinh tế quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và đến nay đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Cùng với các cấp, các ngành đẩy mạnh xúc tiến, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút FDI, ODA, du lịch,… Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã huy động nguồn lực to lớn của kiều bào ta cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thông qua đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, đã tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị, góp phần quan trọng vào phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch Covid-19, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.
Cùng với ngoại giao nhà nước, công tác đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân - ba trụ cột đối ngoại, được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cộng sản, công nhân và các chính đảng khác tiếp tục được củng cố thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi lý luận và tiếp xúc tại các diễn đàn đa phương. Quốc hội cũng mở rộng quan hệ quốc tế trên cả bình diện song phương và đa phương. Đối ngoại nhân dân được triển khai với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, đa dạng.
Những kết quả nêu trên khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng ta.

Khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại
Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng ta luôn được phát triển, hoàn thiện trong các giai đoạn cách mạng.
Trên cơ sở kế thừa đường lối đối ngoại qua các kỳ đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối đối ngoại của Đảng, trong đó có bổ sung nhiều nội dung mới để đối ngoại đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Một trong những điểm mới nổi bật trong đường lối đối ngoại Đại hội XIII là lần đầu tiên Đảng xác định rõ vị trí, vai trò tiên phong của đối ngoại trong "tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước". Các nhiệm vụ này quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Việc khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong Văn kiện Đại hội XIII là bước phát triển mới về tư duy đối ngoại của Đảng trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng giữ nước mang tính chủ động cao của dân tộc, đúc kết thực tiễn phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Để đối ngoại phát huy vai trò tiên phong và hoàn thành tốt các định hướng, nhiệm vụ được giao, Đại hội XIII đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Đây cũng là yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong bối cảnh mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Mọi việc thành công bởi chữ đồng”. Đối ngoại chỉ có thể thực hiện tốt vai trò "tiên phong" khi được đặt trong tổng thể đối nội và đối ngoại, có được sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết, đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn dân. Trong đó, "điểm đồng" ở đây là cùng nhau bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Có như vậy, mới phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần này, vì thế, có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá những thành tựu đạt được qua 35 năm Đổi mới trong lĩnh vực đối ngoại, nhìn lại những bài học kinh nghiệm và nhận diện rõ hơn những vấn đề lớn đặt ra cho công tác đối ngoại trong thời gian tới. Trên cơ sở phân tích rõ tình hình quốc tế, Hội nghị làm sâu sắc hơn đường lối, quan điểm đối ngoại và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới.
Với quy mô, tính chất "chưa từng có" từ trước đến nay và nội dung chuyên sâu, Hội nghị còn nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, quán triệt đường lối đối ngoại và thực hiện triển khai đồng bộ trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Qua đó tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự đồng lòng của đồng bào ta ở nước ngoài cũng như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.