ĐBQH tỉnh Quảng Bình Khóa XIII, XIV Nguyễn Ngọc Phương:

Tạo sự đồng thuận khi sáp nhập bộ máy

- Thứ Tư, 03/11/2021, 14:21 - Chia sẻ
Ngày 4.11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến về công tác giám sát, trong đó có chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Phóng viên Báo Điện tử Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Khóa XIII và XIV NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG về một số nội dung liên quan đến công tác sắp xếp đơn vị hành chính dựa trên thực tế triển khai tại địa phương thời gian qua...

- Thưa ông, ông có thể cho biết những kết quả sơ bộ của tỉnh Quảng Bình đạt được sau khi thực hiện đề án sắp xếp lại các đơn vị hành chính?

- Từ năm 2019 trở về trước, tỉnh Quảng Bình có 159 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 16 phường, 7 thị trấn và 136 xã. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12.3.2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 và Nghị quyết số 862/NQ-UBTVQH14 ngày 10.1.2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Bình, có 16 đơn vị cấp xã sáp nhập thành 8 xã, phường, thị trấn và có 1 thị trấn mới thành lập. Hiện toàn tỉnh có 151 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 15 phường, 8 thị trấn và 128 xã, với tổng số 1.144 thôn, bản, tổ dân phố. Trong đó, cấp xã loại 1 có 29 xã, phường; cấp xã loại 2 có 90 xã, phường, thị trấn; cấp xã loại 3 có 32 xã, phường, thị trấn.

Đến nay, việc sáp nhập đã khắc phục cơ bản tình trạng chia tách làm tăng đơn vị hành chính trong các nhiệm kỳ trước. Việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã được tiến hành trên cơ sở đồng thuận cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại Quốc hội Khóa XIV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương phát biểu tại Kỳ họp Quốc hội Khóa XIV

- Khó khăn nhất khi xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính thời điểm đó là gì và Quảng Bình đã vượt qua những khó khăn này như thế nào, thưa ông?

- Cũng như nhiều địa phương, Quảng Bình đối mặt với một số khó khăn khi sáp nhập là khó thực hiện việc lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn các lĩnh vực; thu ngân sách không đủ cân đối chi thường xuyên cho bộ máy chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, khi thực hiện sáp nhập các xã khu vực nông thôn, miền núi gặp nhiều vấn đề như địa hình chia cắt, giao thông đi lại, dân cư phân bố rải rác…, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng... Mặt khác, một số xóm, tổ dân phố ở vùng đồng bằng có quy mô số hộ gia đình không bảo đảm điều kiện theo quy định, chưa kể việc đầu tư xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị.

Nhưng khó khăn nhất là sắp xếp, bố trí, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, bố trí, quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách. Đơn cử như việc chuyển đổi công chức Trưởng Công an xã sang các chức danh công chức khác có nơi chưa phù hợp với bằng cấp chuyên môn được đào tạo. Việc bố trí người hoạt động không chuyên trách tại xã, thôn, bản, tổ dân phố có nơi còn theo chủ quan của cấp xã. Có nơi, cùng một chức danh đã thừa công chức nhưng vẫn điều chuyển, bố trí thêm làm tăng số lượng… Việc xây dựng phương án, lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư còn bị động, lúng túng… Ngoài ra, khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương không chu đáo, cẩn thận dễ phát sinh những mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ...

Để giải quyết những khó khăn này, Đảng bộ và chính quyền địa phương các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc sáp nhập. Qua lấy ý kiến cử tri tại các địa phương đều đạt tỷ lệ đồng thuận cao để tạo tâm lý, tư tưởng ổn định, không dao động về vị trí việc làm hay đời sống sinh hoạt của cán bộ, công chức và nhân dân khi sáp nhập xã. Một điều nữa là việc tuyển dụng công chức bảo đảm đúng quy chế, nguyên tắc, trình tự, thủ tục. Qua đó, đã lựa chọn được những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu các chức danh vị trí việc làm được tuyển dụng, bố trí, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy cấp xã.

- Theo ông, để giải quyết dứt điểm những tồn tại sau sắp xếp như bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách, công năng của hệ thống trụ sở, cơ sở vật chất sau sáp nhập cần có những giải pháp, chính sách gì?

- Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cũng như việc sáp nhập các thôn, xóm, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền các nơi sáp nhập cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để thấu hiểu và tạo dựng sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khảo sát tại địa phương năm 2017
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khảo sát tại địa phương năm 2017

Hai là, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập. Hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan như sổ hộ khẩu, thẻ căn cước công dân... Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập.

Ba là, cần tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức khi tiến hành việc thực hiện sáp nhập, kiện toàn tổ chức, bộ máy. Trong quá trình thực hiện phải thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải bảo đảm hợp tình, hợp lý.

Bốn là, cần nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về sử dụng tài sản công như nhà văn hóa các phường, xã, nhà đa năng các trường học đồng thời là nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố, xóm; xem xét ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản là nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố để xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp với quy mô thôn, tổ dân phố được tổ chức lại sau khi sáp nhập. Nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy chế khoán kinh phí hoạt động của một số tổ chức ở xã, thôn, tổ dân phố, bảo đảm linh hoạt, thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo hướng một tổ chức có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Năm là, sau sáp nhập cần chú ý đến những đặc thù về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; trong đó cần quan tâm đến tính hài hòa giữa văn hóa truyền thống và đặc thù của mỗi vùng miền. Tuân thủ sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền cấp trên để liên kết, phối hợp xử lý những khó khăn, vướng mắc.

Ngoài ra, cần có lộ trình từng năm, không tập trung sáp nhập vào một thời điểm để có phương án bố trí cán bộ. Tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người cao tuổi, có uy tín trong địa phương. Ngoài ra, cần có quy định linh hoạt hơn trong chuyên môn, nghề nghiệp của công chức khi bố trí sang vị trí mới.

- Xin cám ơn ông!

Nam Anh