Tạo nguồn lực phục hồi nền kinh tế

- Thứ Ba, 19/10/2021, 05:46 - Chia sẻ
Hiện nay, động lực tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đã bị suy giảm cả trong ngắn hạn và trong trung, dài hạn. Bởi vậy, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát đòi hỏi cần tăng quy mô đầu tư. Và giải pháp được nhiều chuyên gia đề cập đến là có thể chấp nhận mức bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 gửi các đại biểu Quốc hội, 9 tháng năm 2021, Chính phủ đã huy động được 298.758 tỷ đồng. Dự kiến tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2021 đạt khoảng trên 514.000 tỷ đồng, bằng 82,4% so với kế hoạch. Tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng năm 2021 là hơn 289.300 tỷ đồng, trong đó, trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỷ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỷ đồng. Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338.415 tỷ đồng; trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27.517 tỷ đồng.

Về nợ công, dự kiến năm 2021 là khoảng hơn 3,7 triệu tỷ đồng, bằng 43,7% GDP. Nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, bằng 39,5% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24,8%. Báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý, trường hợp GDP năm 2021 không đạt mức dự báo sẽ tác động đến bội chi ngân sách nhà nước và các chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong năm 2021.

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ… cũng như kịp thời có các gói hỗ trợ an sinh xã hội. Những hỗ trợ này dù chưa hẳn là lớn so với nhu cầu nhưng vấn đề là được đưa ra kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế vì số thu bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bởi vậy, thời gian tới cần tiếp tục xem xét các chính sách tài khóa nhằm kích thích cả về phía cung - người sản xuất và cầu - người tiêu dùng để tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển cả trước mắt cũng như lâu dài.

Phân tích thêm về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh bất thường, cần có những giải pháp nhanh chóng, kể cả vượt ngoài khuôn khổ thông thường. Ví dụ có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ bội chi cao hơn cho năm 2022 và tận dụng cơ hội lãi suất thấp để vay và tái cơ cấu nợ công. Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng, với tiềm lực, dư địa tài khóa và tín dụng hiện nay, nước ta hoàn toàn có thể tăng chi ngân sách, tăng tín dụng ở mức độ hợp lý và từ năm 2023 có thể quay lại quỹ đạo, kiểm soát các cán cân này lành mạnh hơn.

Thực tế, dựa trên các điều kiện vĩ mô, tỷ lệ nợ công/GDP của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn, xuất - nhập khẩu tăng mạnh và có khả năng đạt kim ngạch hơn 600 tỷ USD trong năm 2021. Cán cân thương mại thặng dư, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tỷ giá ổn định, lạm phát kiểm soát, lãi suất trái phiếu thấp. Hơn nữa, các biện pháp điều hành của Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt, xếp hạng tín dụng khá tốt tạo điều kiện để nước ta có thể tăng khoản vay công cả trong nước và quốc tế - là những cơ sở để Việt Nam cân nhắc nới khoản vay công kịp thời để tạo thêm nguồn lực phục hồi nền kinh tế.

Hiện nay, dư địa chính sách tiền tệ của nước ta không còn nhiều, tuy nhiên dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn, nếu không nói là còn khá lớn để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Hơn nữa, nước ta đã chuyển sang chiến lược mới là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vậy nên để phục hồi đà tăng trưởng, việc tăng vay nợ hoặc chấp nhận mức bội chi cao để giúp tăng sức tác động lan tỏa tăng trưởng, kích thích kinh tế phục hồi là một giải pháp nhưng cần tính toán hết sức cẩn trọng để vừa bảo đảm an toàn nợ công vừa sử dụng hiệu quả vốn vay.

Ninh Hà