Lợi ích đã rõ
Nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký chiếm 30% trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, tỷ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học đạt 20%.
Tại hội nghị “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025” tổ chức sáng 2.11 ở TP. Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện nước ta có 810 loại thuốc BVTV sinh học với 257 hoạt chất. Trong đó, thuốc BVTV sinh học là các vi sinh vật chiếm 13%; thuốc BVTV sinh học có nguồn gốc tự nhiên, chiết xuất từ thảo mộc chiếm 24%; thuốc BVTV sinh học thuộc nhóm hóa sinh chiếm 63%. Các loại thuốc này phòng trừ hầu hết các sinh vật gây hại trên các cây trồng khác nhau. Trong số 99 nhà máy sản xuất thuốc BVTV, có 85 nhà máy sản xuất thuốc BVTV sinh học. Tỷ lệ sử dụng thuốc BVTVsinh học đã tăng từ 16,67% (năm 2020) lên 18,49% (năm 2022).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung, hơn 2 năm triển khai Chương trình đã tạo ra kết quả tích cực. Cụ thể là xây dựng được các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học; thay đổi nhận thức, tư duy của người dân; tạo ra các sản phẩm thuốc BVTV và ứng dụng vào sản xuất. Số lượng thuốc BVTV sinh học trong danh mục và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian. Lợi ích sử dụng thuốc sinh học đã rất rõ - vừa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, an toàn cho người sử dụng; vừa không để lại tồn dư thuốc trong nông sản, bảo đảm chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đây là tiền đề để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học thời gian tới.
Nông dân vẫn chưa mặn mà
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hoàng Trung cho rằng, việc phát triển và ứng dụng thuốc BVTV sinh học còn một số khó khăn. Đó là nhận thức của doanh nghiệp, người dân và địa phương còn hạn chế; quy định hiện nay cũng chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để chuyển hướng nghiên cứu phát triển thuốc BVTV sinh học; nghiên cứu về thuốc BVTV sinh học tập trung chủ yếu ở bước phòng thí nghiệm và số lượng mô hình còn ít.
GS.TS Phạm Văn Toản, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, việc nghiên cứu phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học bắt đầu từ những năm 1970 song tới nay có rất ít sản phẩm được giới thiệu và thương mại trên thị trường. Ở góc độ ứng dụng, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, người dân vẫn quen sử dụng thuốc BVTV hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Thuốc BVTV sinh học ít được lựa chọn do chi phí cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học. Ông Sơn cho rằng, thuốc BVTV sinh học chưa thể thay thế hoàn toàn thuốc BVTV hóa học trong giai đoạn hiện nay.
Nhấn mạnh vai trò của thuốc BVTV sinh học, TS. Tony Alfonso, Chủ tịch Tổ công tác về Thuốc BVTV Sinh học của CropLife châu Á, cho rằng đây là một công cụ hữu hiệu trong chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và Chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) khi kết hợp cùng với các sản phẩm hóa chất nông nghiệp khác, biện pháp canh tác, quản lý thời tiết và các yếu tố đầu vào… để bảo đảm năng suất và chất lượng tối ưu trong phòng trừ dịch hại. Sử dụng thuốc BVTV sinh học đặc biệt hiệu quả tại những thời điểm như đầu mùa vụ, khi áp lực sâu bệnh thấp và tại cuối vụ khi nhu cầu về kiểm soát dư lượng và thời gian cách ly trước khi thu hoạch (PHI) cần được ưu tiên. Hạn chế phát triển tính kháng cũng là một ưu điểm và đóng góp nổi bật khác của thuốc BVTV sinh học.
Tuy thuốc BVTV sinh học mang lại các cơ hội và lợi ích nổi bật nhưng TS. Tony Alfonso khuyến cáo không nên xem đây là biện pháp thay thế cho thuốc BVTV hóa học. Theo đó, các hoạt động nghiên cứu phát triển, đăng ký và sử dụng những giải pháp bảo vệ thực vật hóa học tiên tiến vẫn cần được tiếp tục triển khai.
Việt Nam cần cách tiếp cận linh hoạt
Để thúc đẩy sản xuất và ứng dụng thuốc BVTV sinh học, TS. Tony Alfonso, khuyến nghị Việt Nam cần có hướng dẫn cụ thể riêng về khảo nghiệm thuốc BVTV sinh học và khung pháp lý linh hoạt do nguồn gốc tự nhiên và bản chất phức tạp của các sản phẩm này. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý thuận lợi với chi phí hợp lý để thúc đẩy phát triển và đăng ký các sản phẩm thuốc sinh học; cân nhắc đánh giá các sản phẩm thuốc sinh học theo từng trường hợp, giai đoạn cụ thể.
Kinh nghiệm quản lý và ứng dụng thuốc BVTV sinh học tại nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy, áp dụng cách tiếp cận linh hoạt để đăng ký thuốc BVTV sinh học dựa vào đánh giá khoa học và điều kiện thực tiễn sẽ giúp đi tắt đón đầu trong việc ứng dụng các loại thuốc BVTV sinh học mới, đồng thời duy trì tính nhất quán với những khuôn khổ pháp lý về thuốc BVTV sinh học đã có. PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cho rằng, cần đổi mới công tác quản lý thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam bao gồm cập nhật, cụ thể hóa khái niệm thuốc BVTV; bổ sung quy định đối với sản phẩm sinh học mới; đơn giản hóa, loại bỏ một số thủ tục và yêu cầu về số liệu thử nghiệm đối với thuốc BVTV sinh học và đưa ra hướng dẫn về trường hợp thuốc BVTV sinh học được đăng ký đặc cách…
Để triển khai hiệu quả Chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề xuất các bộ, ngành bổ sung, ưu tiên các chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất và hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học; rà soát, cắt giảm các quy định, các điều kiện liên quan đến quản lý thuốc BVTV sinh học; miễn giảm phí, thuế nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Các địa phương cần ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, sử dụng thuốc BVTV sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc sinh học ở quy mô nông hộ trên địa bàn...