Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công

Tạo môi trường để cống hiến

- Thứ Năm, 25/07/2019, 08:28 - Chia sẻ
Mặc dù thời gian qua, có nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các chính sách thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước. Nhiều người trong số họ đã phát huy được năng lực, sở trường và bước đầu có những kết quả đóng góp tốt cho cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, sau tuyển dụng tình trạng nhân tài trong các đơn vị khu vực công bị rơi rụng, hoặc rời sang khu vực tư không phải là ít…

Chính sách còn nhiều bất cập

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thời gian qua, đã có nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành các chính sách “trải thảm đỏ” nhằm thu hút người có tài năng về làm việc tại các cơ quan nhà nước, nhưng có nơi khá thành công, có nơi không. Nguyên nhân là do việc sử dụng người tài và tạo điều kiện cho người tài có môi trường phát huy tốt hơn còn nhiều khó khăn và bất cập. Cụ thể là, chưa có văn bản quy phạm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; chưa thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng của từng bộ, ngành, địa phương; các chính sách chủ yếu thu hút những người có trình độ cao về bằng cấp… Đơn cử, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng từng có đề án Mê Kông 1.000 đào tạo các nhà khoa học, thạc sĩ, đại học ở các quốc gia trên thế giới nhưng khi về bố trí sử dụng không phù hợp.


Để nhân tài phát huy khả năng, sở trường cần có môi trường làm việc tốt

Tương tự tại Đà Nẵng - một trong những địa phương trong thời gian qua mặc dù đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài về làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công như: Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc, thực hiện chính sách bảo đảm có tính vượt trội so với đối tượng khác trong cùng cơ quan như chế độ đãi ngộ ban đầu, hỗ trợ hàng tháng, bố trí nhà cho một số đối tượng, ưu tiên trong thi tuyển công chức, viên chức… Kết quả từ chính sách thu hút nhân tài, đến nay, TP Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên (trong đó, tiến sĩ: 25 người; thạc sĩ, bác sĩ nội trú: 283 người; đại học: 961 người)…

Tuy nhiên, do một số cơ quan, đơn vị cũng chưa thật sự quan tâm trong việc tiếp nhận, sử dụng, bố trí công việc phù hợp; tính chủ động trong việc tiếp nhận, sử dụng các đối tượng thu hút của các đơn vị chưa cao; còn tình trạng đăng ký nhu cầu nhưng không đồng ý tiếp nhận đối tượng thu hút khi cơ quan có thẩm quyền phân bổ công tác về đơn vị… vô hình trung chính sách thu hút nhân tài chưa thật sự phát huy hiệu quả - Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng chia sẻ.

Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài. Đồng thời, quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Cải cách mạnh mẽ

Theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ Dương Quang Tung, nhân tài trong khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức) được hiểu là người có năng lực vượt trội, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều thành tích, cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân. Vậy nhân tài cần có mặt ở những vị trí công việc nào trong khu vực công? Đó là các vị trí lãnh đạo, quản lý; các vị trí tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển, cả về chiến lược và chiến thuật; các vị trí công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao... Nhân tài không phụ thuộc vào bằng cấp, nhiều người học giỏi chưa chắc đã là nhân tài. Do vậy, để thu hút, trọng dụng nhân tài phải tập hợp nhiều giải pháp chứ không chỉ mỗi chuyện đãi ngộ. Muốn trọng dụng thì người đứng đầu phải là “minh chủ”, biết sử dụng người. Còn người đứng đầu không khách quan, đưa những người kém cỏi lên quản lý nhân tài thì không phát huy sự tự do sáng tạo của nhân tài, rồi kèn cựa, nịnh nọt… làm thui chột nhân tài.

PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực tế, ở các nước phát triển, cán bộ, công chức làm trong bộ máy công quyền cơ bản là tinh hoa. Thế nhưng, ở nước ta thì chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong khu vực công đang có nhiều bất ổn về chế độ đãi ngộ và uy tín thấp; vẫn có tình trạng nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, hoạt động không hiệu quả... Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chạy chức, chạy quyền, phải đáp ứng 5C (con cháu các cụ cả), bảo lãnh bằng vần “ệ” (tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ, trí tuệ)…

Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, ý thức kém, phải làm cho bộ máy tinh gọn, như vậy mới có chỗ để thu hút người có tài năng. Muốn làm được điều này, Đảng và Nhà nước cần phải thể hiện rõ và cụ thể hóa được quan điểm “Nhân tài là nguyên khí quốc gia” và phải xây dựng được cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công. Đồng thời, cần trân trọng phát hiện, bồi dưỡng và cần phải trọng dụng nhân tài để “Sĩ phu không ngoảnh mặt”. Nhân tài phải có môi trường để được cống hiến trong khu vực công chứ “không phải thu hút để sai vặt”.

Bàn về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, khái niệm nhân tài cần được làm rõ và cần thống nhất việc sử dụng; làm rõ hơn tại sao các chính sách của bộ, ngành, địa phương hiện nay không thu hút được nhiều nhân tài vào làm việc, trong khi đó khu vực tư lại thu hút được. Đặc biệt, tới đây chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài phải xác định rõ lĩnh vực nào, cấp nào ưu tiên thu hút nhân tài; cùng với các chính sách thu hút phải tạo được môi trường làm việc tốt cho nhân tài cống hiến, phát huy. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế mở rộng quyền cho người đứng đầu trong việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài và không giới hạn phạm vi về nhân tài, không phân biệt nhân tài khu vực công, khu vực tư, trong nước, ngoài nước…

Trần Hải