Tạo lập “môi trường sạch” để cất cánh

- Thứ Ba, 12/05/2020, 11:04 - Chia sẻ
Để đạt được mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020 thì một trong những giải pháp quan trọng có ý nghĩa đột phá là tạo môi trường sạch, xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển. Lâu nay, chúng ta thường nói về thực phẩm sạch, năng lượng sạch, cán bộ, công chức trong sạch. Tuy nhiên, để Việt Nam cất cánh, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo lập môi trường sạch cả về đầu tư, tự nhiên, công vụ, văn hóa và hội nhập…

Chính sách tốt đẹp có thể bị vô hiệu hóa bởi khâu thực hiện

Trước hết về môi trường đầu tư: chúng ta tha thiết mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội nước nhà. Tuy nhiên, những chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng lại bị khâu thực hiện là những rào cản, những barie vô hiệu hóa. Thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, có đại biểu đã phải thốt lên đất lành chim đậu nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết cả chim. Thế là mời gọi các nhà đầu tư nhưng trên rải thảm, dưới rải đinh, các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhung nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới.

Về môi trường sống, ở một số đô thị, môi trường an ninh, trật tự và an toàn xã hội cũng là mối lo thường nhật của người dân. Có nơi, người dân ra đường nơm nớp nỗi lo xâm hại. Một nữ du khách nước ngoài nước mắt lưng tròng vì bị giật túi xách trong đó có toàn bộ tiền, hộ chiếu và các giấy tờ quan trọng khác. Mặc dù, lực lượng công an đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa chặn đứng và đẩy lùi được tình trạng táo tợn cướp giữa ban ngày. Khách du lịch thăm một số danh lam, thắng cảnh bị chèo kéo, chặt chém, ép buộc… làm cho du khách một đi không trở lại, bởi cách hành xử “chụp giật” của một số nhà hàng, khách sạn… Tôi đề nghị đưa thêm chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh, trật tự an toàn xã hội là những tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và của toàn xã hội.

Đang có sự lệch chuẩn trong hành xử và thụ hưởng văn hóa

Về môi trường văn hóa: đang có sự lệch chuẩn trong hành xử và thụ hưởng văn hóa. Ở nơi công cộng, người ta rất tiết kiệm dùng từ “cảm ơn” hoặc “xin lỗi” những từ vốn là câu cửa miệng trước đây nhưng thay vì cảm ơn và xin lỗi, họ lại dư thừa bạo lực. Chỉ cần có va chạm nhẹ là trả lời nhau bằng vũ lực, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Rồi bạo lực học đường, phụ huynh và học sinh thấy bất an ở môi trường mà lâu nay được coi là an toàn nhất. Ở một số trường mầm non, trường tiểu học, cô bảo mẫu đánh đập các cháu đến thành tàn phế. Mới đây, bảo vệ trường xâm hại tình dục tới hàng chục trẻ em nội trú. Rồi bạo lực gia đình, con cháu chém giết ông, bà, cha, mẹ chỉ vì không cho mấy trăm nghìn. Internet đen và game bạo lực đã tiêm nhiễm vào con trẻ. Chúng ta phải có bộ lọc và sức đề kháng văn hóa để có khả năng miễn dịch trước những luồng văn hóa xấu, độc tràn vào. Gần đây rộ lên việc cha mẹ đánh con tới mức gây thương tích suốt đời. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa thẩm thấu đến được từng mái nhà, góc phố. Ở nhiều gia đình, tổ ấm trở thành “tổ lạnh” hoặc “tổ siêu nóng”!

Đã xin thì phải có cái gì đó rồi mới cho?

Về môi trường công vụ, nhiều người thi hành công vụ chưa coi mình là công bộc của người dân, không nghĩ rằng mình sinh ra là để phục vụ nhân dân. Một khi cơ chế “xin - cho” vẫn còn đất sống thì người dân và doanh nghiệp còn bị nhũng nhiễu vì đã xin thì phải có cái gì đó rồi mới cho! Tham nhũng lớn, tham nhũng vặt đến mức người đứng đầu của Đảng phải đặt ra câu hỏi: “cái gì cũng chạy, chạy chức, chạy quyền, chạy cả luân chuyển, vậy ai chạy, chạy ai?”. Cử tri mong rằng chỉ cần đi là đến, không cần phải chạy mới đến. Thủ tướng Chính phủ từng khẳng định “dù đau đớn cũng phải kiên quyết cắt bỏ những ung nhọt tham nhũng”. Phó chủ tịch Nước thì day dứt: “họ ăn của dân không từ một cái gì”. ĐBQH đầy lo âu: “quốc nạn có nguy cơ hạ đo ván quốc sách”. Đó là những câu hỏi đang treo lơ lửng còn chờ câu trả lời của các cơ quan bảo vệ pháp luật để môi trường xã hội được trong hơn và sạch hơn.

Về môi trường tự nhiên, chất lượng dự báo, nguồn lực và khả năng phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu. Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở sông, biển vẫn diễn ra vô cùng phức tạp, tình hình ngập úng ở một số thành phố chưa được khắc phục, đã biến Hà Nội thành “Hà lội”, thành phố Hồ Chí Minh thành “thành phố trên sông như Vơnizơ của Italia” mặc dù đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng cho các dự án chống ngập. Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận thu, tận vét để xuất khẩu khoáng sản thô theo những con đường tiểu ngạch chẳng mấy chốc tài nguyên thiên nhiên của đất nước sẽ cạn kiện. Hầu hết các dự án thủy điện cam kết sẽ trồng rừng thay thế sau khi xây dựng xong các nhà máy thủy điện, song tỷ lệ trồng rừng mới thay thế chỉ đạt 20 - 30%. Vậy là chúng ta đã tàn phá tài nguyên rừng để đổi lấy điện năng bằng một giá rất đắt. Hậu quả là lũ quét, sạt lở đất, hạn hán kéo dài, người dân vừa mất đất sản xuất vừa có nguy cơ rình rập đến tính mạng và cuộc sống.

Về môi trường hội nhập, chúng ta đang hòa vào môi trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Các hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết và dần được hiện thực hóa. Đó là Hiệp định thương mại tự do ASEAN, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Tuy nhiên, các doanh nghiệp chúng ta đang bơi trong một biển điều khoản của các hiệp định, rất lúng túng chưa xác định đâu là điểm xuất phát, đâu là đích đến. Vì thế cần tạo lập môi trường cho hội nhập để các “bơi thủ” của chúng ta không bị chìm trước biển hội nhập mênh mông.

Tạo lập môi trường sạch cho phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để Việt Nam cất cánh trong tương lai. Đó cũng chính là nhiệm vụ rất nặng nề mà nhân dân trao gửi cho QH, Chính phủ và toàn bộ hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ tới.

Lê Như Tiến
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ
N. Bình ghi