Tạo lập môi trường kinh doanh, nuôi dưỡng và phát triển kinh tế tư nhân
Với 12 nội dung của Điều 4 và 9 nội dung của Điều 5 Chương II, Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã thể chế hóa khá đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về tạo lập môi trường kinh doanh, mà ở đó tạo sự yên tâm hoàn toàn cho những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng.
.jpg)
TS. Trần Du Lịch
ĐBQH Khóa IX, XII, XIII
Chuyên gia kinh tế
Với 12 nội dung của Điều 4 và 9 nội dung của Điều 5 Chương II, Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đã thể chế hóa khá đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về tạo lập môi trường kinh doanh, mà ở đó tạo sự yên tâm hoàn toàn cho những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng.
Không chỉ đơn thuần giải quyết điểm nghẽn về thể chế, mà là đổi mới nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về “Một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”, cùng với cuộc cách mạng về tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính và cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai khẩn trương theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng” nhằm xây dựng nền công vụ “hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực.
Đồng thời, mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; xây dựng và hoàn thiện chính sách để đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự thành động lực phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị…

Mục tiêu “xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp” gắn với việc xây dựng mô hình chính quyền kiến tạo phát triển, tạo bước đột phá phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt để kinh tế tư nhân thực hiện chức năng “động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” đã được thể hiện khá toàn diện trong Nghị quyết số 198/2025/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín đang diễn ra.
Có thể nói, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức sắp xếp bộ máy: Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 59-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW đang hình thành “bộ tứ trụ cột”, thể hiện tính đột phá mạnh mẽ về thể chế, bước phát triển mang tính hệ thống và toàn diện của quá trình Đổi mới từ năm 1986 đến nay.
Sự đổi mới nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân đang tạo ra bầu không khí lạc quan, phấn khởi và củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp về một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thực hiện khát vọng đưa nước ta trở thành nước phát triển, phồn vinh sau khoảng 2 thập niên đến năm 2045.

Nhìn lại quá trình đổi mới thể chế phát triển kinh tế tư nhân: Từng bước chuyển từ “ chọn cho” sang “ chọn bỏ”
Sau gần 40 năm Đổi mới, nhưng xét về khung pháp luật để cho kinh tế tư nhân ra đời, hoạt động, thì tính từ năm 1991, khi Quốc hội khóa VIII ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty, với quy định khá hạn chế về quyền tự do kinh doanh (phải được cấp phép kinh doanh ngành nghề gì trước khi đăng ký kinh doanh).
Đến Luật Doanh nghiệp năm 2000 được mở rộng quyền tự do kinh doanh với quy định bỏ thủ tục cấp phép trước, nhưng cũng phải đăng ký từng ngành nghề kinh doanh trước. Sự thay đổi này đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2001 -2005, đưa khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng cao hơn nhiều khu vực FDI.

Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2000 vẫn duy trì cơ chế “chọn cho”, tức chỉ kinh doanh ngành nghề được Nhà nước cho phép; chứ chưa áp dụng cơ chế “chọn bỏ”, tức được quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Chỉ đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư mới áp dụng cơ chế “chọn bỏ”, nhưng lại kèm theo quá nhiều quy định về các điều kiện kinh doanh, nên trong nhiều trường hợp đã trở thành rào cản về thủ tục góp phần vào “điểm nghẽn thể chế”…
Trong môi trường pháp lý còn nhiều hạn chế cùng với các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998; khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008; đại dịch Covid-19 các năm 2020 - 2021…, nhưng đến nay khu vực kinh tế tư nhân non trẻ của Việt Nam, tuy số lượng, quy mô… còn khiêm tốn so với tiềm năng, nhưng đã đóng góp đến 51% GDP, và 60% tổng đầu tư xã hội, tạo 82% việc làm cho nền kinh tế.
Trong nhiều ngành, lĩnh vực đã xuất hiện nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mở rộng đầu tư ra nước ngoài… cũng rất đáng được trân trọng. Đây chính là hành trang cần có chính sách để tạo ra động lực mới cho khu vực kinh tế tư nhân và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Cải thiện môi trường kinh doanh theo Điều 4 và 5 Nghị quyết 198/2025/QH15: Đột phá về môi trường cạnh tranh bình đẳng, an toàn pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân…
Với 12 nội dung của Điều 4 và Điều 9, nội dung của Điều 5 Chương II, Nghị quyết số 198-NQ/QH15 đã thể chế hóa khá đầy đủ tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về tạo lập môi trường kinh doanh, mà ở đó tạo sự yên tâm hoàn toàn cho những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời không để “đất sống” cho những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn bất chính, xem thường pháp luật và lợi ích cộng đồng, mà hiện nay đang tồn tại rất nhức nhối.
Điều 4 quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân đã chế định khuôn khổ, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan và viên chức thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, chuyển từ quản lý nặng về tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm, tránh gây phiền hà, cản trở các hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước phải tạo cơ hội bình đẳng về cơ hội cho mọi chủ thể kinh doanh tiếp cận các nguồn lực, như đất đai, vốn, tài nguyên, tài sản, công nghệ…
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực sản xuất kinh doanh được quy định rất cụ thể trong Điều 7, cho phép chính quyền địa phương được sử dụng ngân sách để hỗ trợ một phần đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ, đặc biệt đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

So với các quy định hiện hành có liên quan, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao được chế định lần này bao hàm cả 4 nội dung hỗ trợ mang tính hệ thống và mạnh mẽ bao gồm: tài chính- tín dụng; khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực và các nghĩa vụ tài chính như thuế, phí.
Điều 5 quy định nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh: Nêu những quy định mang tính đột phá, giải toả tâm lý lo âu của những doanh nghiệp làm ăn chân chính thông qua các quy định, như: tách biệt rõ trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm pháp nhân; trách nhiệm dân sự với trách nhiệm hình sự... Đặc biệt, “trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự, thì không áp dụng xử lý hình sự”, hoặc ưu tiên xử lý kinh tế trước khi xử lý hình sự…
Lần này, Nghị quyết của Quốc hội đã nhấn mạnh đến nguyên tắc suy đoán vô tội trong thủ tục tố tụng hình sự, nhằm xử lý đúng người đúng tội khi vụ việc phải xử lý hình sự… Có thể nói, nếu pháp luật ban hành nhằm chế định những quan hệ mà cuộc sống đang đặt ra, thì Nghị quyết 198/2025/QH15 lần này đã chế định mang tính hệ thống các vấn đề liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện rõ nét tinh thần xây dựng mô hình “Nhà nước kiến tạo phát triển”.
Đổi mới tư duy từ “công vụ quản lý” sang “công vụ phục vụ”, năng động, công tâm trong thực thi chính sách
Thực tiễn ở nước ta trong nhiều năm qua cho thấy, việc xây dựng chính sách, pháp luật đã khó, nhưng đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống đôi khi còn khó hơn.
Đặc biệt, Nghị quyết 198/2025/QH15 đã ban hành 5 nhóm nội dung về cơ chế, chính sách, trong đó có những nội dung mới, nhưng rất nhiều nội dung đã được các quy định pháp luật khác đang điều chỉnh.
Có thể kể đến hàng trăm văn bản pháp luật có liên quan cần sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, tại Điều 16 của Nghị quyết, về tổ chức thực hiện, đã đặt ra yêu cầu phải rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan và một số nội dung phải hoàn thành chậm nhất ngày 31/12/2026.
Tuy nhiên, không phải chờ đến khi hoàn thiện xong hệ thống các quy định mới đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mà có thể áp dụng ngay theo tinh thần: Những quy định nào trái Nghị quyết này, thì áp dụng theo Nghị quyết này.
Điều này, đòi hỏi bộ máy hành chính các cấp, đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết phải đổi mới tư duy từ “công vụ quản lý” sang “công vụ phục vụ”, năng động và công tâm trong thực thi chính sách. Chúng ta đang có thuận lợi là đang tiến hành cải cách nền công vụ đồng bộ giữa 3 bộ phận cấu thành: thể chế hành chính; tổ chức bộ máy và con người thực thi.
Để có được một nền hành chính chuyên nghiệp, yếu tố quyết định là có được một đội ngũ cán bộ công chức “mẫn cán với công vụ”, xây dựng được nền công vụ khả dĩ áp dụng được phương pháp KPI ( chỉ số hiệu suất chính) để đánh giá hiệu quả của từng tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính quyền các cấp.
Với cuộc cách mạng về tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính các cấp theo tinh thần tinh gọn, hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực đang tiến hành, chúng ta kỳ vọng sẽ xây dựng được môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng; môi trường pháp lý an toàn, tạo ra hệ sinh thái “vườn ươm” cho đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp và tạo ra kỷ nguyên phát triển mới cho kinh tế tư nhân, cho doanh nghiệp Việt, doanh nhân Việt, thương hiệu Việt, thực hiện đúng vị trí, vai trò của mình trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.