Chiều 8.10, tiếp tục Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh
Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 8 chương, 73 điều, thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số gồm: nghiên cứu và phát triển công nghệ số; hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; doanh nghiệp công nghệ số; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Đáng lưu ý, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, AI và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, nhiều ý kiến đồng tình với phạm vi điều chỉnh như quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi điều chỉnh có thể trùng lắp, giao thoa với một số Luật liên quan như Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giao dịch điện tử… Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc không loại bỏ hoàn toàn các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, trừ khi có luật khác điều chỉnh các lĩnh vực này.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với việc thiết kế các chính sách và các quy phạm mới mang tính đột phá, vượt trội để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số. Để dự án Luật có tính khả thi cao, bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, Ủy ban đề nghị, cần xác định rõ mối quan hệ giữa dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và Luật Công nghệ thông tin hiện hành.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất nghiên cứu và chỉnh lý theo hướng thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin bằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này và tiếp tục bổ sung các quy định còn hiệu lực của Luật Công nghệ thông tin vào dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số; hoặc sau khi Luật này có hiệu lực, tiếp tục rà soát các quy định có hiệu lực còn lại của Luật Công nghệ thông tin để sớm xây dựng văn bản mới thay thế toàn bộ Luật Công nghệ thông tin.
Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp công nghệ số thì cần có chính sách rõ ràng, khả thi, đủ mạnh. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh, cụ thể hóa trong Luật một số chính sách như hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư; sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp công nghệ số nội địa; chủ động triển khai kinh doanh ngành nghề mới, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp khởi nghiệp startup, liên kết tạo hệ sinh thái trong ngành công nghiệp công nghệ số.
Nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước về công nghiệp công nghệ số
Đánh giá dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là dự án luật mới, khó, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần bám sát các chủ trương, Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, phải tạo lập được hành lang pháp lý cho mô hình lao động, việc làm mới trên nền tảng công nghệ số.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; rà soát, bảo đảm sự phù hợp của dự luật với các luật có liên quan như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học công nghệ, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thuế giá trị gia tăng…; tham chiếu các quy định của dự thảo luật với các quy định, văn bản luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung; bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Về nội dung cơ bản của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục giải thích, chuẩn hóa các khái niệm mới như tài sản số, trí tuệ nhân tạo, tài sản mã hóa.
Đối với phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đây là luật chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ số thành ngành kinh tế quan trọng, do đó, cần nhấn mạnh vai trò quản lý của Nhà nước về công nghiệp công nghệ số, Trung ương làm gì, địa phương làm gì theo tinh thần mới là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. "Chúng ta phân cấp rõ, Trung ương xử lý những vấn đề vĩ mô, địa phương làm những vấn đề vi mô, bởi trong quá trình chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, không ai sát với doanh nghiệp, người dân hơn địa phương”.
Với cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, chỉ rõ đây là nội dung mới, thể hiện mức độ cởi mở, hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xem xét, tham khảo các cơ chế đã được nghiên cứu như cơ chế thử nghiệm dành cho công nghệ tài chính và nền tảng số trong lĩnh vực tài chính do Ngân hàng Nhà nước thực hiện dự kiến trình Chính phủ ban hành vào cuối năm nay.
Đề nghị cân nhắc kỹ Điều 59 dự thảo Luật quy định về miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cần bố trí các chính sách cho phù hợp và đồng bộ với các quy định của pháp luật dân sự, hành chính và Bộ luật Hình sự.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về công nghiệp công nghệ số, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần hình thành, phát triển phương thức sản xuất số, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước với công nhân, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết lập, tích hợp sản xuất và làm chủ công nghệ lõi, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội số…