Tích cực kêu gọi đầu tư, thành lập mới cụm công nghiệp
Phát triển cụm công nghiệp thời gian qua đã khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp (đặc biệt là tại khu vực nông thôn); tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, thời gian qua nhiều địa phương đã tích cực kêu gọi đầu tư, thành lập mới các cụm công nghiệp.
Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Ninh Thuận dự kiến kêu gọi đầu tư 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích 480,28ha. Đó là các cụm công nghiệp Phước Đại (35ha); Phước Tiến 1 (30ha); Tri Hải (30ha); Ngành nghề nông thôn Phước Dân (20,28ha), Lợi Hải 1 (15,58ha); Lợi Hải 2 (33,42ha); Phước Nam 1, 2, 3, 4, 5 (đều 50ha); Chế biến thủy sản (17ha); Phước Minh 3 (49ha).
Sở Công Thương Ninh Thuận cho hay, các cụm công nghiệp Phước Nam 1, Phước Nam 2, Phước Nam 4 và Phước Nam 5 hiện đều có nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Tập đoàn Hà Đô đã có công văn gửi Sở Công Thương đề xuất chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và thực hiện các thủ tục pháp lý đăng ký làm chủ đầu tư cụm công nghiệp Phước Nam 1 và Phước Nam 2.
Cụm công nghiệp Phước Minh 3 cũng có nhà đầu tư quan tâm. Ngày 25.3.2024, Sở Công Thương đã phát hành thông báo về việc nộp hồ sơ đăng ký chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp này với vốn đầu tư 472,2 tỷ đồng, tiến độ thực hiện trong vòng 36 tháng.
Với các Cụm công nghiệp Tri Hải, Lợi Hải 1, Lợi Hải 2, Chế biến thủy sản, Sở Công Thương cũng khẳng định, bảo đảm điều kiện xúc tiến thủ tục mời nộp hồ sơ báo cáo thành lập cụm công nghiệp, nhưng hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm. Cụm công nghiệp Phước Tiến 1 và cụm công nghiệp Ngành nghề nông thôn Phước Dân chưa có trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của các địa phương.
Tương tự, UBND tỉnh Hải Dương mới đây đã ban hành quyết định thành lập cụm công nghiệp phía Tây Việt Hòa, thành phố Hải Dương diện tích 59,9ha; với tổng mức đầu tư hơn 732 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Tân Hưng. Đồng thời, có thêm cụm công nghiệp Thái Tân, huyện Nam Sách diện tích 75ha.
Các cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho hoạt động sản xuất; thực hiện việc di chuyển các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Tây Ngô Quyền và thu hút, di chuyển các cơ sở sản xuất đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hải Dương vào cụm công nghiệp.
Căn cứ pháp lý quan trọng
Số liệu của Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho biết, đến hết năm 2023, cả nước đã thành lập được 1.062 cụm công nghiệp, trong đó 705 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, chiếm 66,4% số cụm công nghiệp đã thành lập; thu hút gần 14.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 666.000 lao động.
Việc phát triển cụm công nghiệp đã giúp các địa phương giải quyết đáng kể mối lo về môi trường. Để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1.5.2024.
Theo Cục Công Thương địa phương, Nghị định số 32 có nhiều điểm mới rất quan trọng, như đã phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp.
Nghị định cũng ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về cụm công nghiệp… bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về cụm công nghiệp.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội được thành phố xác định là khâu đột phá; trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp sẽ góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 từ 8,5 - 9%. Đến nay, thành phố đã thành lập được 102 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.188ha, trong đó có 43 cụm công nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2018 - 2020 theo Nghị định số 68 với tổng diện tích 742ha. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc thành lập mới các cụm công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định số 32 là rất cần thiết, đúng thời điểm và tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong quá trình thành lập mới các cụm công nghiệp; bảo đảm phát triển cụm công nghiệp bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thành phố sẽ quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 32 nhằm góp phần vào tăng trưởng của ngành công nghiệp theo chỉ tiêu đề ra và phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường.
Hiện, Cục Công Thương địa phương đang lấy ý kiến đóng góp, để hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32 nhằm sớm phổ biến tới các địa phương giúp Nghị định sớm đi vào thực tiễn, phát huy tác động của cụm công nghiệp tới phát triển công nghiệp nông thôn nói riêng, công nghiệp nói chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước.