Bảo đảm năng lực, công nghệ, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Khoáng sản sau 13 năm triển khai cho thấy, những kết quả hết sức tích cực trong công tác thăm dò, điều tra, quản lý về khoáng sản, phát hiện và ghi nhận tiềm năng trữ lượng nhiều điểm mỏ, hình thành một số cụm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân còn nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm pháp luật. Do đó, các ĐBQH đánh giá việc xây dựng và ban hành Luật Địa chất và khoáng sản là rất cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý toàn diện đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.
Tham gia góp ý hoàn thiện quy định tại khoản 2, Điều 13 về "Phương án quản lý về địa chất và khoáng sản được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, bao gồm cả d) Khu vực đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV", Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, việc đưa khoáng sản nhóm IV vào đối tượng quy hoạch là không phù hợp. Bởi, theo quy định phân nhóm thì khoáng sản nhóm IV là đất sét, đất đồi, đất đá lẫn cát cuội, sỏi, hoặc đất sét… chỉ phù hợp mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ chỉ phát sinh nhu cầu khai thác sử dụng khi thực hiện dự án xây dựng công trình ở khu vực lân cận hoặc phát sinh trường hợp trong thiết kế mỏ được thẩm định có khoáng sản nhóm IV trong bãi thải. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng công trình có tiến độ thực hiện ngắn hơn nhiều so với kỳ quy hoạch khoáng sản.
Về phân nhóm khoáng sản (Điều 7), các đại biểu cơ bản nhất trí việc phân loại 4 nhóm khoáng sản như dự thảo luật; đặc biệt là phân loại riêng biệt với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản làm vật liệu san lấp. So với luật hiện hành, phân loại như dự thảo luật sẽ bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện cải cách thủ tục hành chính đối với từng nhóm khoáng sản. Điều này góp phần khắc phục bất cập về thiếu nguồn vật liệu, là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công trình, dự án chậm triển khai và Quốc hội cũng đã phải ban hành các cơ chế đặc thù đối với vấn đề này.
Tuy nhiên, đối với hai nhóm khoáng sản này, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần rà soát các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm c, khoản 1, quy định theo hướng nào cần phải đưa vào luật. Hiện, dự thảo luật đang giao Chính phủ quy định chi tiết và trong dự thảo nghị định thì danh mục khoáng sản nhóm III cũng có sự kế thừa Điều 64 Luật Khoáng sản. Theo đại biểu, cần đánh giá chi tiết dựa trên tính khoa học, yếu tố kỹ thuật của từng loại khoáng sản, tác động môi trường để quy định cho đầy đủ, tạo điều kiện cho tổ chức triển khai thực hiện sau này.
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 58 dự thảo luật không quy định về điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Điều này khác so với quy định tại Luật Khoáng sản hiện hành. Theo đại biểu, quy định điều kiện cá nhân, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện gồm có dự án đầu tư khai thác khoáng sản trong khu vực được thăm dò, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, điều kiện về vốn chủ sở hữu... khi cấp giấy phép khai thác khoáng sản là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm năng lực, công nghệ, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản. Do đó, trong báo cáo cần đánh giá rõ hơn về việc sửa đổi này.
Xem xét “thời gian đóng cửa mỏ” trong thời hạn khai thác
Về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), dự thảo quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II. ĐBQH Đỗ Đức Duy (Yên Bái) đề nghị, giữ nguyên quy định như Luật Khoáng sản hiện hành. Theo đó, Bộ Công Thương chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I; Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I. Bởi, việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng khoáng sản của các ngành kinh tế, thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương (đối với các ngành sản xuất công nghiệp) và Bộ Xây dựng (đối với ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng và một số vật liệu xây dựng chủ yếu khác). Thực tế thời gian qua, việc giao cho Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản nhóm I, nhóm II không có vướng mắc.
ĐBQH Đỗ Đức Duy cũng đề nghị, về giấy phép khai thác khoáng sản tại Điều 59, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, tính toán “thời gian đóng cửa mỏ” trong thời hạn khai thác để tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng còn thời hạn đóng cửa mỏ để tiếp tục khai thác khoáng sản.
Một số đại biểu cho rằng, khi đánh giá thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, trong báo cáo không có đánh giá tác động về những khó khăn, vướng mắc, cũng như không thấy được quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Do vậy, đề nghị trong Báo cáo thẩm tra cần phân tích đánh giá thêm nội dung này để tạo bảo đảm chất lượng, thực hiện hiệu quả, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Liên quan đến Điều 104 về khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, theo Báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 440 giấy phép khai thác nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND cấp tỉnh cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Các mỏ khoáng sản đưa vào đấu giá tăng 20 - 40% so với giá khởi điểm. Như vậy, việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản mang lại hiệu quả cao, tăng thu cho Nhà nước nhưng tỷ lệ cấp phép khai thác thông qua đấu giá rất thấp, mục tiêu chính sách với chế định đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đạt được.
Các đại biểu cũng dẫn chứng, thông tin trên báo chí cho thấy, có nhiều doanh nghiệp tư nhân muốn được khai thác khoáng sản từ việc tiếp nhận lại các mỏ đã được doanh nghiệp Nhà nước thăm dò và phê duyệt trữ lượng. Việc huy động được nguồn lực xã hội vào khai thác khoáng sản là rất quý, góp phần sử dụng hiệu quả tài sản quốc gia, nhanh chóng trả lại quỹ đất cho địa phương để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên khi có nhiều đơn vị quan tâm, Nhà nước không có cơ chế lựa chọn phù hợp thì sẽ tạo ra cơ chế “xin - cho”, dẫn đến rủi ro pháp lý cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Việc lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực để cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua đấu giá sẽ tạo môi trường kinh doanh công bằng cho các doanh nghiệp, nhằm tăng thu cho nguồn ngân sách nhà nước. Do đó, các đại biểu đề nghị, trong Điều 104 sẽ bỏ điểm b, d của Khoản 2. Đồng thời, đánh giá kỹ nội dung này để bảo đảm khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.