Tạo hành lang pháp lý thống nhất thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ

Lương Khiết 08/06/2024 16:31

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, lĩnh vực chế biến chế tạo duy trì đà tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí nắm vị trí dẫn dắt, đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp nói chung.

Cùng với đó, hoạt động công nghiệp hỗ trợ ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như: ngành dệt may - da giầy đạt 45 - 50%, cơ khí chế tạo đạt hơn 30%. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia, tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Cùng với phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, các sản phẩm chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, đóng góp ngày càng cao vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2023, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 85%. Với giá trị lớn, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chế biến, chế tạo đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu chung của cả nước thời gian qua.

Tạo hành lang pháp lý thống nhất thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ -0
Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có đủ tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: ITN

Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn những tồn tại, hạn chế. Nguyên nhân là do đặc thù của sản xuất công nghiệp hỗ trợ và xuất phát điểm thấp, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện để hưởng chính sách ưu đãi. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp trong quá trình thực thi chính sách.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV vừa qua, về 4 nhóm lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công thương, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã đặt vấn đề về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là việc hấp thụ các cơ chế chính sách để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Trong đó, với việc huy động nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài, có ý kiến cho rằng cần có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp này liên kết với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cùng lĩnh vực để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), thời gian qua liên tục đón các doanh nghiệp FDI đề nghị hỗ trợ kết nối và xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp đầu chuỗi từ châu Âu, châu Mỹ hay một loạt nhà cung ứng cấp 1 của Apple. Đặc biệt, các “ông lớn” này không chỉ đặt vấn đề tìm kiếm một, hai nhà cung cấp mà đều muốn tiếp cận theo chuỗi, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam. Đây rõ ràng là kỳ vọng để doanh nghiệp Việt phát triển, có vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.

Tạo hành lang pháp lý thống nhất thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ -0
Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035 tập trung công nghiệp hỗ trợ các ngành điện tử thông minh, ô-tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may-da giày. Ảnh minh họa nguồn: ITN

Về cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam thời gian tới, Phó Thủ tưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Việt Nam có đủ tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng trước hết cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách nhằm tạo nguồn lực trong lĩnh vực này. Về phía Bộ Công Thương sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm để tạo nền tảng pháp lý thống nhất, vững chắc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; Nghiên cứu, xây dựng và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035 (tập trung công nghiệp hỗ trợ các ngành điện tử thông minh, ô-tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may-da giày); có cơ chế khuyến khích và thúc đẩy các doanh nghiệp FDI liên kết doanh nghiệp quốc gia, thành lập các liên minh sản xuất, tạo hệ thống nhà cung ứng tại chỗ và nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ.

Triển khai hiệu quả Nghị định 32/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm khai thác tối đa thế mạnh từng địa phương, phục vụ thiết thực nhu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; Phân bổ hợp lý các nguồn lực quốc gia từ Trung ương đến địa phương để tập trung phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên như vật liệu, cơ khí, chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, các ngành Việt Nam có lợi thế sử dụng lao động và xuất khẩu; Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ, vận hành hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với đó, triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước, gắn với chú trọng phát triển các ngành ưu tiên như ô-tô, cơ khí nông nghiệp, đường sắt; hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu sản phẩm cơ khí, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và khai thác các thị trường tiềm năng ở ASEAN, châu Phi, Tây Á,…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tạo hành lang pháp lý thống nhất thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO