Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do vị trí địa lý nằm án ngữ trên con đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nên vùng biển Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước trên thế giới. Việt Nam sớm tham gia tích cực vào con đường thương mại trên biển, trong đó mặt hàng xuất nhập khẩu quan trọng nhất là đồ gốm sứ.
Từ năm 1990 đến nay, trên vùng Biển Đông Việt Nam đã phát hiện hàng chục con tàu chở gốm sứ bị đắm, trong đó có 6 con tàu đã được khai quật, gồm: tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Cà Mau (Cà Mau), tàu cổ Bình Thuận (Bình Thuận) và tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi).
Kết quả khai quật các con tàu cổ này đã thu được hơn 500.000 tiêu bản hiện vật gốm sứ, có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Hoa, nằm trong khung niên đại từ thế kỷ XIII - XVIII. Các sưu tập gốm sứ thu được từ những con tàu cổ này có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế rất lớn, trong đó có nhiều sưu tập độc bản quý hiếm.
Dự thảo Nghị định nhằm quy định chi tiết Khoản 4 Điều 39 Luật Di sản văn hóa năm 2024, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước, qua đó góp phần cải cách hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để góp phần đưa nội dung Luật Di sản văn hóa năm 2024 sớm đi vào thực tiễn.
Theo Điều 3, dự thảo Nghị định, di sản văn hóa dưới nước là di sản văn hóa vật thể đang ở dưới nước có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm: các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; các di tích, công trình xây dựng, địa điểm; di tích cổ nhân, cổ sinh vật có liên quan đến nguồn gốc của loài người, đã được con người sử dụng cùng với hiện trường tự nhiên và khảo cổ học xung quanh chúng.
Các đường ống, cống ngầm, cáp đặt, các thiết bị và công trình ngầm khác đang được sử dụng phục vụ cho đời sống của con người đặt ở dưới nước không được coi là di sản văn hóa dưới nước.
Dự thảo Nghị định có 5 chương, 38 điều, quy định các hoạt động về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, bao gồm di sản văn hóa ở vùng nước nội địa, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, công dân (gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân) và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.
Nghị định này áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ di sản văn hóa dưới nước trên lãnh thổ nước Việt Nam. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó.
Để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đăng tải toàn văn Dự thảo Nghị định về quản lý và bảo vệ di sản văn hóa dưới nước, thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 8.3.