Sáng 10.9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm Tham vấn chuyên gia về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quảng cáo và góp ý sửa đổi Luật Quảng cáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Triệu Thế Hùng chủ trì tọa đàm.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo.
Tại tọa đàm, các ý kiến cho rằng, qua hơn 10 năm triển khai, Luật Quảng cáo 2012 và các văn bản hướng dẫn với nhiều mặt tích cực đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trước sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nước ta với nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, nhiều quy định trong Luật Quảng cáo hiện hành bộc lộ bất cập, hạn chế.
Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành quảng cáo nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo là hoàn toàn hợp lý, vừa sát với tình hình thực tế, vừa đáp ứng nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Một trong những nội dung được tập trung thảo luận là quảng cáo trên không gian mạng (quảng cáo trực tuyến). Trong thập kỷ qua, quảng cáo trực tuyến phát triển bùng nổ, dần tiến tới thống lĩnh thị trường, trong khi đó thị phần quảng cáo truyền thống (trên truyền hình, báo chí, biển quảng cáo ngoài trời) bị thu hẹp.
Trong thị trường quảng cáo truyền thống, báo chí, truyền hình đóng vai trò là “bộ lọc” để kiểm soát hiệu quả các vấn đề về nội dung quảng cáo. Trong quảng cáo trực tuyến, các cá nhân (người nổi tiếng, người dùng bình thường) đều có thể thực hiện hành vi quảng cáo thông qua mạng xã hội; có sự xuất hiện của chủ thể phân phối quảng cáo mới: các nền tảng công nghệ hoạt động theo cách thức tự động, khiến cho việc thực hiện nhanh hơn, dễ dàng hơn, tiếp cận đến số lượng lớn.
Trong khi đó lại khó tìm ra chủ thể vi phạm ở đâu để xử phạt (do người quảng cáo không đăng ký, không phải xin giấy phép như quảng cáo truyền thống). Thêm vào đó, nền tảng công nghệ phân phối quảng cáo phần lớn là nền tảng từ hoạt động trên thị trường toàn cầu, việc phối hợp để thực thi pháp luật khó khăn hơn, cả từ góc độ hành chính, pháp lý lẫn góc độ công nghệ (năng lực công nghệ). Luật Quảng cáo hiện hành chưa có các quy định hoặc quy định chưa đủ rõ ràng về nghĩa vụ các chủ thể mới này.
Theo đó, nhiều ý kiến góp ý trọng tâm của sửa đổi Luật Quảng cáo lần này cần chú trọng làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến các các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo trực tuyến.
Các ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nên nghiên cứu thể hiện rõ hơn những vấn đề liên quan đến hoạt động quảng cáo trong thời đại kỹ thuật số; mạnh dạn đổi mới để tạo đột phá trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo và dự đoán xu hướng tương lai để bảo đảm tính khả thi, ổn định lâu dài khi Luật khi được ban hành.
Các ý kiến tại tọa đàm cũng tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến: quảng cáo trên báo chí; quảng cáo ngoài trời và quy hoạch quảng cáo ngoài trời; quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đặc biệt…
Ghi nhận, đánh giá cao các tham luận, trao đổi tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Triệu Thế Hùng cho rằng các ý kiến tại tọa đàm đã gợi mở nhiều vấn đề mới, nhiều giải pháp hay, hữu ích cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại tọa đàm, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu, cố gắng tiếp thu đầy đủ nhất; đồng thời mong muốn, các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo tiếp tục có những góp ý thiết thực đối với dự án Luật này thời gian tới, nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội.