Tạo dựng không gian văn hóa gốm Kim Lan
Sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội (tháng 3.2012), lãnh đạo địa phương muốn biến nơi đây thành một không gian văn hóa phục vụ du lịch... Tuy nhiên, để thực hiện ý tưởng ấy, Kim Lan còn nhiều việc phải làm, trước mắt là duy trì hoạt động thường xuyên của nhà trưng bày.
Tâm huyết một đời
Nói về cơ duyên gắn bó cả đời với những mảnh gốm cổ, di sản quý báu ẩn chứa giá trị văn hóa, lịch sử mà tổ tiên để lại, ông Nguyễn Việt Hồng kể, năm 1996, sau trận lụt lịch sử, nước rút đi để lại trên bãi Hàm Rồng, cạnh chùa Kim Lan, bạt ngàn mảnh gốm, những chiếc lọ đầy ắp tiền cổ và cả những món đồ gần như nguyên lành. Từng nhiều năm làm Trưởng phòng Kỹ thuật tại Xí nghiệp Sứ Bát Tràng, là người có nghề nên ông Hồng thích thú với những mảnh gốm vừa được tình cờ phát lộ. Ông tìm nhặt những mảnh gốm cổ đem về để xem cách người xưa làm gốm ra sao, hoa văn, họa tiết, màu men thế nào... Sự thích thú ấy trở thành niềm đam mê lúc nào chẳng biết. Với sự giúp sức của con trai, dần dần hàng nghìn, hàng vạn mảnh gốm lần lượt được đưa về ngôi nhà nhỏ của ông. Với vốn chữ Hán ít ỏi, lại thiếu chuyên môn nên ông phải về nội thành tìm mua, nhờ người mượn tư liệu liên quan về tự học để phân loại đồ gốm. Sự phong phú, đa dạng, cũng như tính liên tục trong suốt hơn chục thế kỷ của các mảnh gốm cổ khiến ông Hồng nhận ra rằng, đây là bằng chứng quan trọng khẳng định Kim Lan từng là một làng sản xuất gốm sứ cổ.
![]() Một số hiện vật tại nhà trưng bày Kim Lan |
Ý tưởng tạo dựng không gian văn hóa
Kết quả khảo cổ cùng với nhận định của các nhà sử học càng thôi thúc nhóm Tìm về cội nguồn của làng thực hiện dự định thành lập phòng trưng bày gốm sứ tại Kim Lan. Theo ông Hồng, việc làm này nhằm lưu giữ các hiện vật quý mà chính người làng đã tìm được, để các thế hệ mai sau tự hào về truyền thống của làng nghề và khách đến tham quan, tìm hiểu về mảnh đất nghìn năm lịch sử, gắn với những thăng trầm của kinh thành Thăng Long. Một cơ duyên khác lại đến vào năm 2001, khi ông Hồng gặp nhà khảo cổ học Nhật Bản, Ts Nishimura Masanari. Cùng tâm huyết với việc nghiên cứu lịch sử nghề gốm Kim Lan, hai người đã trở thành những người bạn thân thiết. Với nguồn vốn tài trợ cho khảo cổ học cộng đồng từ Nhật Bản, do Ts Nishimura dày công vận động, tháng 3.2012, Nhà trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan được khánh thành trong niềm vui, niềm tự hào vô bờ của nhà khảo cổ chân đất Nguyễn Việt Hồng, các thành viên nhóm Tìm về cội nguồn của làng và nhân dân trong xã. Với hơn 300 hiện vật trưng bày theo tiến trình lịch sử đã khái quát câu chuyện về làng nghề truyền thống Kim Lan, từ những dấu tích cư trú đầu tiên đến sự hưng thịnh hôm nay. Các cổ vật ở đủ thời đại, được thuyết minh bằng ba ngôn ngữ Việt, Nhật, Anh mà điểm nhấn là những đồ gốm sứ do chính người làng sản xuất.
Sau ngày khánh thành, xã đã cử một công an viên trông coi và hướng dẫn khách tại nhà trưng bày, trích ngân sách trả lương 18 triệu đồng/năm. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân, rất ít khi thấy nhà trưng bày mở cửa. Nhiều lần sinh viên các trường chuyên ngành lịch sử, khảo cổ đến tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng không tìm thấy người giữ chìa khóa. Tại khu vực nhà trưng bày không có bất cứ chỉ dẫn hay thông tin liên hệ nào. Ngay cả ông Hồng, một trong những người sáng lập và cho mượn trên 200 hiện vật trưng bày, nhiều khi muốn dẫn khách thăm quan nhà trưng bày cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm người giữ chìa khóa...
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Đức Trí cho hay, nhà trưng bày ngày thường không mấy khi mở cửa, nhưng thứ 7, chủ nhật mở cả ngày để phục vụ nhân dân và khách du lịch... Theo đề án xây dựng nông thôn mới xã Kim Lan, toàn bộ chợ dân sinh sẽ được di dời để xây dựng nơi đây thành một không gian văn hóa, gắn với đình, chùa Kim Lan. Không gian sẽ gồm có nhà trưng bày, khu giới thiệu sản phẩm mới sản xuất, nơi dạy nghề làm gốm và lò đốt để có sản phẩm nhanh phục vụ du lịch...
Thiết nghĩ, muốn phát triển du lịch, Kim Lan còn nhiều việc phải làm, trước mắt là duy trì hoạt động thường xuyên của nhà trưng bày. Đây là tâm huyết một đời của lớp người cao tuổi như ông Nguyễn Việt Hồng để lại cho thế hệ trẻ, với mong muốn những di sản quý ấy sẽ được quan tâm phát huy giá trị trong đời sống hôm nay và mai sau.