Tạo đột phá từ phát triển hạ tầng giao thông

- Chủ Nhật, 02/01/2022, 05:57 - Chia sẻ
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Long An NGUYỄN VĂN ÚT cho biết, muốn đẩy mạnh phát triển đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ và hợp lý. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định tạo bước đột phá. Từ đó, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 giữ vị trí tốp dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long, năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sẽ khởi công 6 dự án giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh

- Thưa ông, xin ông cho biết Long An đã phát triển hệ thống hạ tầng giao thông như thế nào để phát huy lợi thế là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ kết nối các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh?

- Long An vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa là cửa ngõ kinh tế của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lợi thế rất lớn về địa lý kinh tế. Vì vậy, việc chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông rất cần thiết. Xác định điều này, thời gian qua, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, các tuyến đường giao thông khang trang, hiện đại, dần hình thành kết nối đồng bộ, thay đổi diện mạo của địa phương. Đáng chú ý, tuyến đường tỉnh 830 kết nối các địa phương vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… kết nối các khu, cụm công nghiệp đến hệ thống cảng biển và kết nối với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong khu vực thông qua tuyến Quốc lộ 1, Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương… Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và thông thương hàng hóa. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông quan trọng như đường tỉnh 825, đường tỉnh 823, đường tỉnh 826B… cũng được xây dựng hoàn thiện, tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh.

Thời gian tới, Long An sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hệ thống giao thông. Theo đó, từ nay tới đầu năm 2022, tỉnh sẽ khởi công 6 dự án giao thông kết nối với TP. Hồ Chí Minh. Đây là 6/23 dự án trọng điểm góp phần tạo sự đồng bộ với TP. Hồ Chí Minh và thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Long An và các tỉnh lân cận. Đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện một số dự án giao thông quan trọng như tuyến đường tỉnh 830 giai đoạn 2, đường vành đai TP. Tân An... Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều dự án mới như tuyến đường tỉnh 830E, đường tỉnh 827E, đường tỉnh 823D, đường tỉnh 822B… Trong đó, dự án đường tỉnh 830E, đường tỉnh 827E được xác định là 2 công trình giao thông trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông của tỉnh.

- Những bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển chung của Long An, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh sự quan tâm của Trung ương trong việc đầu tư các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ N1 và N2, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông như tuyến đường tỉnh 830, dần hoàn thiện tuyến đường vành đai TP. Tân An; thực hiện các công trình giao thông phục vụ phát triển công nghiệp ở vùng kinh tế trọng điểm.

Các tuyến giao thông huyết mạch này đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng cho tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 9,11%/năm. Long An lấp đầy thêm gần 1.500ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp đang hoạt động trên 85%, cụm công nghiệp đang hoạt động trên 77%. Tỉnh hiện có hơn 13.400 doanh nghiệp trong nước hoạt động; thu hút đầu tư nước ngoài trên 1.100 dự án. Hiệu quả từ những chương trình mang lại đã góp phần đưa Long An trở thành địa phương có quy mô nền kinh tế dẫn đầu vùng ĐBSCL, là một trong những địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư ở ĐBSCL, là tỉnh có nguồn thu ngân sách cao trong khu vực.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực

- Vậy, để các dự án, công trình giao thông được thi công thuận lợi, nhanh chóng, Long An đã có giải pháp gì để tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thưa ông?

- Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Long An đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư; thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị, địa phương liên quan. Đặc biệt, tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để thực hiện dự án.

Long An chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng giao thông

Nguồn: ITN 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25 về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp giải quyết những việc khó, phức tạp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, không “khoán trắng” cho cấp dưới. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư phải thực hiện chính xác, đúng quy định pháp luật; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; người dân được tái định cư phải hưởng lợi từ dự án, theo nguyên tắc “nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”; đặt quyền, lợi ích chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất lên trên hết, trước hết. Dự án nào gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, người đứng đầu cấp ủy sẽ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân để nắm bắt tâm tư tình cảm, kiến nghị, từ đó có hướng giải quyết phù hợp, nhanh chóng, đúng theo quy định pháp luật, không để phát sinh khiếu nại kéo dài.

- Để hệ thống hạ tầng giao thông thực sự đồng bộ, việc tăng cường đầu tư, huy động mọi nguồn lực là cần thiết. Song, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách đầu tư hạn chế, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, xin ông cho biết đâu là giải pháp để bảo đảm nguồn vốn thực hiện chương trình đột phá và các công trình trọng điểm nói trên?      

- Nhận thức được tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng giao thông trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, tỉnh Long An đã ưu tiên đầu tư 46% nguồn vốn vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác các dự án giao thông dưới nhiều hình thức như BOT và PPP… Tuy nhiên, do nhu cầu vốn để phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, nhưng nguồn lực địa phương còn hạn chế, nguồn vốn ngân sách nhà nước phải cân đối, bố trí vốn đáp ứng nhiều mục tiêu khác, việc tiếp tục huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư là cần thiết để hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh thực sự đồng bộ, thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định thực hiện “Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh”. Chương trình nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế để cùng với ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Chương trình xác định đầu tư 8 công trình giao thông, với mức đầu tư dự kiến là 11.897 tỷ đồng. Để bảo đảm các công trình hoàn thành đúng thời gian, đưa vào sử dụng có hiệu quả và tạo cơ sở cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp xây dựng những định hướng đầu tư phù hợp, tỉnh sẽ tập trung công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, qua đó làm cơ sở đầu tư các công trình hạ tầng và kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án có liên quan; có cơ chế gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với từng dự án, công trình cụ thể. Xây dựng tiến độ thực hiện cụ thể gắn với phân công, phân nhiệm rõ ràng. Tỉnh cũng khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị. Đồng thời, chú trọng hình thức huy động doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng có liên quan trực tiếp đến lợi ích của dự án, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

- Xin cm ơn ông!

Lê Chi thực hiện