Tạo đột phá cho đổi mới sáng tạo, siết chặt an toàn năng lượng nguyên tử
Tại phiên thảo luận tổ chiều 6/5, các ĐBQH Đoàn Nghệ An đã đưa ra nhiều góp ý sâu sắc, tập trung vào hai dự án luật quan trọng: Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi). Bên cạnh đề xuất mở rộng phạm vi miễn trừ pháp lý để bảo vệ người dấn thân nghiên cứu, các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng cơ chế quản lý độc lập, toàn diện và phù hợp thông lệ quốc tế đối với lĩnh vực hạt nhân - một lĩnh vực nhạy cảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Mở rộng miễn trừ pháp lý, thúc đẩy nhà khoa học “dám nghĩ, dám làm”

Phát biểu góp ý vào Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Thái Văn Thành đánh giá cao sự công phu, bài bản trong quá trình xây dựng luật. Theo đại biểu, đây là văn bản pháp lý kịp thời, thể chế hóa nhanh tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo nền tảng cho đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học – công nghệ quốc gia.
Đáng chú ý, đại biểu ghi nhận dự thảo đã có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính đối với tổ chức, cá nhân sử dụng và cơ quan quản lý trong quá trình triển khai nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, theo đại biểu, luật cần mở rộng đối tượng miễn trừ sang các nhà khoa học - những người trực tiếp nghiên cứu, triển khai thử nghiệm và chấp nhận rủi ro; cần thiết bổ sung quy định rõ ràng, thậm chí xem xét cả miễn trừ trách nhiệm hình sự trong những trường hợp phù hợp, trên cơ sở bảo đảm đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và không có yếu tố vụ lợi – nhằm bảo vệ, khuyến khích và tạo niềm tin cho người dám nghĩ, dám làm trong đổi mới sáng tạo.

Về tên gọi của luật, đại biểu cho rằng cách đặt tên hiện nay là hợp lý, bao quát được cả lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và quản lý - phù hợp với phạm vi điều chỉnh đã được xác định rõ trong dự thảo… Tuy nhiên, liên quan đến chiến lược và kế hoạch tổng thể phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quy định tại Điều 11, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn các nội dung cốt lõi - bao gồm: tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, kế hoạch hành động, các dự án trọng điểm và lĩnh vực ưu tiên - để việc triển khai có hiệu lực pháp lý rõ ràng và định hướng cụ thể.
Về nội dung chiến lược và kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng, luật cần quy định rõ các nội dung cốt lõi: Tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, kế hoạch hành động, lĩnh vực ưu tiên và các chương trình trọng điểm… Đồng thời, với Điều 51 về tiêu chí xác định “nhân tài”, đại biểu đồng tình với việc đưa ra 7 tiêu chí cụ thể, nhưng đề nghị làm rõ tiêu chí xác định “nhân tài” trong luật.

Cũng liên quan đến Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh vai trò động lực của khoa học, công nghệ trong phát triển quốc gia; đồng thời, khẳng định sự cần thiết phải ban hành luật với các chính sách đột phá nhằm khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo thực chất.
Theo đại biểu, dự thảo cần bổ sung cơ chế chấp nhận rủi ro trong thử nghiệm, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược hoặc có tính cạnh tranh cao… Cùng với đó, cần bổ sung chính sách đầu tư tài chính, chế độ đãi ngộ riêng và cơ chế quản lý phù hợp để thu hút, phát triển và giữ chân nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao.
Luật hóa rõ mô hình cơ quan pháp quy hạt nhân, tránh rủi ro chồng chéo
Góp ý vào Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng: Dự thảo hiện mới dừng ở mức khái quát về nguyên tắc bảo đảm an toàn, an ninh, thiên về kỹ thuật mà chưa bao trùm toàn diện chuỗi hoạt động hạt nhân. Do đó, cần bổ sung nguyên tắc mang tính nền tảng, điều chỉnh đồng bộ các khâu từ khai thác, vận hành đến xử lý sự cố và đào tạo nhân lực – bảo đảm tính phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật.

Ủng hộ chủ trương tái khởi động các dự án nhà máy điện hạt nhân, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị luật cần quy định rõ về tiêu chuẩn công nghệ hiện đại, cập nhật và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Về cơ quan pháp quy hạt nhân, đại biểu cho rằng: việc giao Chính phủ quy định là chưa đủ rõ. Luật cần xác định cụ thể tên gọi, chức năng, mô hình vận hành – bảo đảm tính độc lập, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc tế.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích thêm: nếu không xác lập rõ địa vị pháp lý và chức năng của cơ quan pháp quy hạt nhân, việc triển khai sẽ phát sinh vướng mắc – nhất là trong bối cảnh IAEA đã tăng cường tiêu chuẩn sau thảm họa Fukushima (Nhật Bản năm 2011).

Về nội dung xã hội hóa hoạt động năng lượng nguyên tử, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ, viện dẫn kinh nghiệm quốc tế và có giải trình thuyết phục, đặc biệt trong đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân từ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị quy định về ưu tiên thủ tục hải quan đối với vật liệu hạt nhân nên đưa sang Luật Hải quan (hiện cũng đang sửa đổi), để bảo đảm sự thống nhất. Đồng thời, cần quy định rõ cơ quan quản lý và cơ chế vận hành Quỹ hỗ trợ khắc phục sự cố hạt nhân, tránh chỉ dừng ở mức nêu nguồn hình thành và mục tiêu sử dụng.

Trở lại với dự thảo luật này, đại biểu Trần Đức Thuận cũng đã nhấn mạnh tính đặc biệt, rủi ro cao và độ nhạy cảm chính trị của lĩnh vực này, từ đó đề nghị siết chặt kiểm soát vật liệu, thiết bị hạt nhân và hợp tác quốc tế, không để bị lợi dụng gây mất an toàn quốc gia hoặc vi phạm các cam kết quốc tế.