PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế: Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Doanh nhân và doanh nghiệp là những tế bào không thể tách rời của nền kinh tế. Sự phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu dựa trên tăng trưởng của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm ổn định xã hội.
Những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; có tính thích ứng, có khả năng đổi mới sáng tạo cao trong bối cảnh khó khăn. Lực lượng doanh nghiệp và doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, chiếm 85% tổng số lao động và 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp thường xuyên thể hiện tốt trách nhiệm xã hội.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm sâu sắc đến sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời kỳ mới, sẽ còn nhiều khó khăn tác động. Để phát huy hơn nữa vai trò của doanh nghiệp, cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và sản xuất xanh, sạch.
Chuyển đổi không đơn giản bởi kinh phí lớn, cần có định hướng, cách thức phù hợp. Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để có định hướng số hóa chính xác, tiết kiệm nhưng lại phù hợp với các ngành nghề, lĩnh vực. Đối với chuyển đổi xanh, tuần hoàn, cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định rõ ràng hơn, có định mức, tiêu chuẩn cụ thể để các doanh nghiệp nắm rõ và thực thi, áp dụng. Đồng thời, có các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế xanh.
Chính phủ đã và đang có những ưu tiên, ưu đãi cho cộng đồng doanh nghiệp, song cơ chế, chính sách thông thoáng cần hơn nữa để doanh nghiệp có động lực tăng trưởng, phát huy hết vai trò trong thời kỳ mới, xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.
Ông NGUYỄN SƠN THỦY, Giám đốc Công ty TNHH Duy Nhất Đông Dương: Cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực khẳng định vị thế, thương hiệu
Từ đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Một số doanh nghiệp và tỷ phú Việt Nam đã xuất hiện trên bản đồ thế giới, như Vinfast, Vietjet... Cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam cũng đang nỗ lực vươn ra khu vực và quốc tế, khẳng định vị thế và thương hiệu của mình.
Ngành du lịch và các doanh nghiệp trong ngành cũng nhận được sự quan tâm đáng kể của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Sau đại dịch Covid-19, nhờ các chính sách hỗ trợ, ngành du lịch đã phục hồi nhanh chóng. Việc nới lỏng chính sách thị thực cũng giúp thu hút lượng lớn khách quốc tế trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, các đề án và chính sách phát triển du lịch, như xây dựng sản phẩm du lịch và phát triển kinh tế du lịch đêm, đều đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trong giai đoạn mới, để cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần triển khai các cơ chế, chính sách một cách nhanh chóng, hiệu quả và cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ. Rõ ràng, khi chính sách phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tốc độ phục hồi và phát triển sẽ gia tăng nhanh chóng, từ đó củng cố niềm tin cho các doanh nghiệp.
Đối với ngành du lịch, chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm và có những chính sách cụ thể nhằm phát triển du lịch và nâng cao hình ảnh điểm đến quốc gia. Cần đầu tư ngân sách cho các dự án trọng điểm như chuyển đổi số, đào tạo lực lượng lao động lành nghề và triển khai các chính sách liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Ngành du lịch có độ mở và khả năng liên kết cao; nếu chính sách không theo kịp xu hướng thế giới, việc phát triển sẽ gặp khó khăn.
Cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp cũng cần nỗ lực không ngừng để đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, quy mô và chất lượng. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt và môi trường thuận lợi từ Đảng, Nhà nước và Chính phủ, lực lượng doanh nhân và doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Ông NGUYỄN VĂN ĐÍNH, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS): Các chính sách mới cần được triển khai nhanh chóng, hiệu quả
Vai trò của doanh nhân và doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước là vô cùng quan trọng. Chính phủ và Thủ tướng đã khẳng định rằng, doanh nhân và doanh nghiệp là nguồn lực và tài sản quý giá của quốc gia. Bên cạnh lực lượng doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân ngày càng mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Trong lĩnh vực bất động sản, ngành này hiện chiếm khoảng 15% GDP quốc gia và liên quan đến gần 40 ngành nghề khác. Sự ảnh hưởng của bất động sản đến các lĩnh vực như tài chính, vốn, bảo hiểm và chứng khoán là rất lớn. Do đó, trong những thời điểm khó khăn, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ dành cho doanh nhân và doanh nghiệp bất động sản. Việc thông qua 3 luật mới về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản gần đây cũng thể hiện quyết tâm thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới, với hy vọng tạo ra cú hích cho thị trường.
Cần nhấn mạnh rằng, nếu doanh nghiệp và doanh nhân suy yếu, nền kinh tế cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, trong bối cảnh mới, chúng tôi mong muốn các thông tư, nghị định và luật mới được ban hành sẽ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả; các chính sách tài khóa, tiền tệ, thuế phí cần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và duy trì sức khỏe. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng và quy mô, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và bền vững.