Tạo môi trường lao động an toàn, bình đẳng
Công ty Chang Shin Việt Nam là doanh nghiệp chuyên sản xuất giày thể thao. Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Đặng Tuấn Tú cho biết, nhờ phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong chăm lo đời sống người lao động đã giúp công nhân ngày càng gắn bó với công ty, tăng cường đoàn kết, tạo động lực làm việc, năng suất của người lao động trong công ty ngày một tăng. Ông ủng hộ việc trích nộp kinh phí 2% từ doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động chăm lo và giữ chân người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần cho phù hợp và tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi dài hơn để tái tạo sức khỏe và chăm sóc gia đình…
Trong khi đó, Chủ tịch Công đoàn Công ty Honda Việt Nam (Công đoàn Công Thương Việt Nam) Phan Tuấn Anh cho rằng, để tạo môi trường lao động an toàn, dân chủ, góp phần tăng NSLĐ, cần có các quy định, chế tài cụ thể về việc xử lý người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ các quy định dân chủ tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường tổ chức các diễn đàn, hội nghị, chuyên đề chuyên sâu để các công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động chia sẻ những khó khăn và trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, xây dựng quy chế dân chủ và văn hóa doanh nghiệp.
Tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc
TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Dự báo và Phân tích kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, NSLĐ của khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam còn thấp. Do đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tạo môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn tri thức, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước để thực hiện cho được mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030. Ngoài ra, trọng tâm của chính sách kinh tế giai đoạn 2021 - 2050 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo, vì đây là ngành động lực thúc đẩy NSLĐ của toàn ngành kinh tế.
Trưởng phòng Sản xuất, Công ty TNHH Intel Products (TP. Hồ Chí Minh) Mai Thiên Ân đề xuất, một trong những yếu tố cần cải thiện của người lao động hiện nay là chủ động rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động để có NSLĐ cao hơn, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Cần thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho người lao động ở các cấp bậc phù hợp từ sớm để trở thành “thói quen, nếp nghĩ, nếp làm”. Bên cạnh đó, nên có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong đầu tư, chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động.
Nâng cao NSLĐ là vấn đề quan trọng, sống còn của quốc gia, tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia sẻ kinh nghiệm về tăng NSLĐ. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động và kiến nghị giải pháp phù hợp. Cùng với đó, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng NSLĐ, tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.