Chính trị

Tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh

Hoàng Ngọc 23/05/2025 13:11

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, các đại biểu tổ 17 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau) đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh. Chủ động ứng phó với các rủi ro, xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Bổ sung đánh giá về tinh gọn bộ máy

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong những tháng đầu năm 2025.

ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Trần Thị Hồng An (Quảng Ngãi) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như các sự kiện quan trọng của đất nước. Đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trực tuyến, ma túy, hàng giả đạt kết quả tích cực, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí…

Việt Nam cũng tích cực tham gia hỗ trợ, khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ toàn diện, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển kinh tế trong nước.

Đại biểu đề nghị, trong Báo cáo của Chính phủ năm 2025 cần đề cập, đánh giá về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân và phụng sự nhân dân. Đây là một việc rất hệ trọng và chưa từng có trong lịch sử.

Về giải pháp trong năm 2025, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan sớm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa sớm các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín này, như chính sách miễn giảm học phí cho học sinh; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nơi ở đến nơi làm việc mới.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bày tỏ lo ngại về mục tiêu năm 2025 tăng trưởng đạt 8% trở lên.

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được sự đột phá về chất lượng, quy mô và năng lực cạnh tranh; sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn so với kế hoạch, đáng lưu ý, trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính, dự kiến tiến độ giải ngân tiếp tục chậm.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ phải có giải pháp hữu hiệu, tích cực, để khi sáp nhập các đơn vị hành chính cũng cần tính toán chuyển các chương trình, dự án thật nhanh, gọn, không bị vướng mắc, hệ lụy về mặt pháp luật.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm sát sao đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.

Lưu ý dự toán ngân sách trung ương chưa phân bổ còn khá lớn, đại biểu đề nghị xem xét lại, việc chậm phân bổ ở đơn vị nào, lý do do đâu, có tình trạng tạo cơ chế xin - cho hay không và có gây áp lực giải ngân vào cuối năm, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước?

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu đề nghị cần có giải pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh. Chủ động ứng phó với các rủi ro từ những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi số. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tạo không gian cho địa phương phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị, cần sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, do sắp xếp bộ máy, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động.

“Đặc biệt, các ngành, các cấp cần quan tâm đến tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, Chính phủ cần có giải pháp quản lý các số điện thoại, sim chính chủ”, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đề xuất.

Tinh gọn đầu mối, một sản phẩm, một việc chỉ giao cho một đầu mối quản lý, cấp phép

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang) nêu vấn đề, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; hiện nay tỷ lệ dự toán chưa phân bổ còn lớn. Việc sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp dù rất nỗ lực, nhưng không tránh khỏi ảnh hưởng nhất định. Do vậy, Chính phủ phải có các giải pháp thật sự căn cơ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) lưu ý, vừa qua tình trạng hàng giả, thuốc chữa bệnh giả, sữa giả đã được cơ quan chức năng phát hiện. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về "lỗ hổng" trong công tác quản lý thị trường, giám sát an toàn thực phẩm, gây hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm “gác cửa” của những đơn vị này, việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng như thế nào?

Dẫn thực tế, một mặt hàng, một lĩnh vực nhưng có nhiều cơ quan quản lý, như sữa, thực phẩm chức năng do Bộ Công thương quản lý về thị trường, Bộ Y tế cấp giấy phép về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu cho rằng, chúng ta cứ nghĩ nhiều bộ quản lý sẽ chặt chẽ hơn, nhưng thực tế lại có phần buông lỏng hơn.

Do đó, các bộ, ngành chức năng cần rà soát lại các mặt hàng, chỉnh sửa chính sách theo hướng "tinh gọn đầu mối, một sản phẩm, một việc chỉ giao cho một đầu mối quản lý, cấp phép", đại biểu đề nghị.

Về tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, lừa đảo qua mạng vẫn còn diễn biến phức tạp, đại biểu đề nghị có cơ chế, chính sách đào tạo bồi dưỡng nhân tài về công nghệ số, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về loại tội phạm này để nhân dân cảnh giác, phòng ngừa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO